Theo kết quả khảo sát lương 2016 với 557 công ty trong đa dạng 76 ngành nghề ở Việt Nam vừa được Mercer (một công ty khảo sát lao động hàng đầu thế giới) và công ty Talentnet công bố, các ngành như Công nghệ cao, Sản xuất, Dược và Hóa chất là 4 ngành hàng có tỷ lệ tăng lương cao nhất, ở vào mức 10%. Trong khi đó, các ngành nghề về Giáo dục, Ngân hàng, Dầu khí có mức lương tăng thấp, lần lượt là 7,5%, 6,7% và 5,0%.
Khối nội thua xa khối ngoại
Thông tin dữ liệu được thu thập từ 244.526 nhân viên trên khắp Việt Nam, được xem là bảng báo cáo lương, thưởng lớn nhất và chi tiết nhất Việt Nam hiện nay, cho thấy mức lương trung bình của các DN trong nước thấp hơn các DN nước ngoài là 31%. Trong đó, độ chênh lệch giữa hai loại công ty này khi xét theo từng cấp bậc: nhân viên, chuyên viên và quản lý lần lượt là 20%, 30% và 38%.
Đặc biệt, khi so sánh mức lương giữa vị trí quản lý và nhân viên, độ chênh lệch lương giữa hai vị trí này ở các công ty nước ngoài lớn hơn hẳn các công ty trong nước. Điều này cho thấy mức độ đầu tư ngân sách để thu hút và giữ chân nhân tài của các công ty nước ngoài có vẻ nhỉnh hơn, khi không xét đến các chế độ phúc lợi khác.
Nếu xét các yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng lương, cả DN nước ngoài và Việt Nam đều xem hiệu quả làm việc cá nhân và hiệu quả kinh doanh của DN là hai yếu tố then chốt khi cân nhắc việc tăng lương.
Tuy nhiên, như phân tích của giới chuyên gia, do đặc thù văn hoá, 75% DN Việt Nam coi trọng yếu tố “cấp bậc” và 40% DN Việt xem “thời gian làm việc tại DN” là hai yếu tố đóng góp vào quyết định tăng lương của DN, trong khi tỷ lệ này ở các DN nước ngoài ở mức khá khiêm tốn: 43% và 22%.
![]() |
Mức lương của các DN trong nước hiện thấp hơn các DNnước ngoài đến 31%
Theo Mercer, ba ngành có tỷ lệ tăng thưởng cao nhất là tài chính (22,5%, phi ngân hàng), nông nghiệp (22,1%), ngân hàng (19,9%). Ba ngành có tỷ lệ tăng thưởng thấp nhất là logistics (12,2%), bán lẻ (11,7%), giáo dục (8,8%). Tại các DN nước ngoài, những vị trí khó tuyển dụng và khó giữ người nhất là quản lý kinh doanh, quản lý tiếp thị, chuyên viên bán hàng.
Với độ “hot” về tăng thưởng trong mảng tài chính, theo dự đoán, đến năm 2018, mức độ tăng trưởng của ngành nghề kế toán lên đến 22%. Nhiều vị trí cần năng lực chuyên môn cao như giám đốc tài chính, kế toán trưởng,… ở nhiều DN hiện được giao cho người nước ngoài với mức lương cao.
Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng ngành này có nguồn cung lao động cao, song lại có tỷ lệ thất nghiệp cao mặc dù nhu cầu tuyển dụng cũng cao do “thừa số lượng nhưng thiếu chất lượng”.
Yếu tố giữ chân nhân tài
Thông tin phản hồi từ các DN tuyển dụng nhân sự cho bộ phận kế toán: có đến 80% – 90% những sinh viên được tuyển dụng chưa có khả năng tiếp cận ngay được với công việc của một “kế toán” thực sự.
Bà Hoa Nguyễn, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Nhân sự và Khảo sát lương tại công ty Talentnet, nhận định rằng kết quả khảo sát lương 2016 sẽ là cơ sở để các DN tham khảo xu hướng lương thưởng của thị trường, nhằm nâng cao vị thế của mình.
Hơn nữa, sự tham gia ngày càng tích cực hơn của các DN trong nước vào báo cáo khảo sát này cũng chứng tỏ họ ngày càng đầu tư hơn vào việc giữ thế cạnh tranh trên thị trường.
Vị giám đốc nhân sự này cũng nhấn mạnh rằng khi thị trường lao động ngày càng trở nên phẳng và mở hơn, chế độ lương thưởng cũng là một trong những yếu tố chủ chốt giúp các DN thu hút và giữ chân người tài.
Mercer và Talentnet dự báo năm 2017, có tới 49% DN nước ngoài có ý định mướn thêm người, 47% giữ nguyên và chỉ có 4% có ý định cắt giảm nhân sự. Mức lương tăng trung bình 9,2%, mức thưởng gộp chung tăng 16,4%, mức thưởng doanh số tăng 38,5%.
Thực tế, như quan sát của Thời báo Kinh Doanh, bức tranh nhân sự của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể so với thời kỳ đầu những năm 2000. Với các lao động tay nghề cao, không chỉ DN nước ngoài mà ngay như các DN trong nước cũng không ngại đưa ra mức lương cao hay chế độ tốt.
Tuy nhiên, các công ty nước ngoài vẫn vượt trội trong chuyện này, đặc biệt là các công ty mới vào thị trường Việt Nam, thường chấp nhận trả mức lương ưu đãi hơn mặt bằng chung khoảng 30 – 50% cho nhân lực chất lượng cao.
Mặc dù vậy, ưu tiên của người tìm việc cũng đã thay đổi. Nếu như trước đây, yếu tố lương thưởng giữa vị trí số một khi quyết định lựa chọn công việc thì trong không ít ngành nghề, việc làm đúng đam mê, sở trường là yếu tố tiên quyết để ứng viên gắn bó lâu dài với công việc.
Lương, thưởng, phúc lợi và trợ cấp là các yếu tố cấu thành nên tổng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, tuỳ theo tính chất của công việc mà các yếu tố cấu thành cũng khác nhau.
Vì vậy, như khuyến nghị của giới chuyên gia, điều quan trọng là người lao động cần có cái nhìn dài hạn, đâu sẽ là những yếu tố không thể thiếu, đâu là những yếu tố mang tính bền vững và lâu dài để có những nhận định chính xác khi thoả thuận lương với DN.
Thế Vinh