Với thâm niên kinh doanh xăng dầu hai chục năm qua, ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc Hợp tác xã xe du lịch và vận tải số 4 (TP.HCM), cho biết có lẽ đây đang là giai đoạn khó khăn nhất của Hợp tác xã.
Hoa hồng chưa đủ thuê nhân công
Ông Lèo chia sẻ với VnBusiness , hơn một tháng qua, mức chiết khấu mà các cây xăng tại TP.HCM của Hợp tác xã này được hưởng chỉ ở mức 80 - 200 đồng/lít, tùy từng mặt hàng xăng dầu. Trong khi đó, để hòa vốn, Hợp tác xã cần phải có mức chiết khấu 600 - 700 đồng/lít.
Mức chiết khấu thấp khiến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ. |
Chưa kể, mức chiết khấu khi nhập hàng được các doanh nghiệp đầu mối thay đổi liên tục theo ngày, dẫn tới người bán lẻ khó hạch toán được kế hoạch kinh doanh sắp tới.
Cũng theo ông Lèo, hồi đầu năm, mức chiết khấu mà Hợp tác xã nhận được từ doanh nghiệp đầu mối là 1.200 đồng/lít, tuy nhiên hoa hồng này không duy trì dài ngày, còn đa phần mức chiết khấu đều dao động trong khoảng 200 đồng/lít, kéo dài cả tháng.
“Chúng tôi lỗ vẫn phải bán, với số tiền hoa hồng như trên nói thẳng là chưa đủ để trả công nhân viên bán hàng, chứ chưa nói đến các khoản khác. Tuy nhiên, Hợp tác xã vẫn phải cố gắng duy trì vì nếu đóng cửa hàng, treo biển hết xăng thì sẽ bị tước giấy phép”, ông Lèo nói. Đồng thời, giãi bày đến giờ bản thân ông cũng không hiểu vì sao bán lẻ xăng dầu ngày càng khó khăn đến vậy, vì sao các doanh nghiệp đầu mối ngày càng đưa ra mức chiết khấu quá thấp như vậy?
Không chỉ năm nay, ông Lèo cho biết thêm: 2-3 năm gần đây, hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu cũng khó khăn. “Mỗi năm, chúng tôi xác định lỗ vài trăm triệu, gồng lưng gánh không nổi và cũng không biết còn chịu đựng được bao lâu”, ông Lèo than.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, liên tục trong thời gian qua, kể cả khi giá xăng dầu tăng hay giảm cũng khiến cho họ điêu đứng. Chiết khấu không có hoặc có cũng rất thấp, khiến cho cửa hàng bán lẻ xảy ra tình trạng đứt gẫy hàng, càng kinh doanh càng lỗ.
“Thực trạng này đã xảy ra rất lâu và thường xuyên. Đến thời điểm hiện nay vẫn còn tiếp diễn. Và doanh nghiệp bán lẻ vẫn chưa có lối thoát…”, một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chia sẻ. Đồng thời cho rằng, doanh nghiệp đầu mối không thể cứ lấy lý do giảm mức chiết khấu là để chia sẻ khó khăn, bởi đây là bài toán kinh doanh, nếu chia sẻ với các doanh nghiệp đầu mối, thì ai sẽ chia sẻ khó khăn với những người bán lẻ? Doanh nghiệp lớn thì khó khăn lớn, doanh nghiệp nhỏ thì khó khăn nhỏ.
Theo đại diện doanh nghiệp trên, với mức chiết khấu giao tại cửa hàng là 0 đồng hoặc mua tại kho thương nhân là 200-300 đồng/lít, vậy doanh nghiệp bán lẻ sẽ duy trì bằng cách nào? Cụ thể, sau khi nhập hàng thì doanh nghiệp bán lẻ phải tổ chức kinh doanh, theo đó là hàng loạt chi phí như thuế, lương nhân viên, điện nước, tiền thuê cửa hàng, tiền lãi ngân hàng…
Cần doanh nghiệp đầu mối chia sẻ
Một thương nhân phân phối khác cũng cho biết với phương pháp tính giá bình quân hiện nay cùng tình trạng giảm giá liên tiếp, nhiều doanh nghiệp thua lỗ là đương nhiên. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp đầu mối thì cũng nên chấp nhận, san sẻ với hệ thống phân phối, bán lẻ. Bởi tính chung cả năm, rất nhiều đầu mối lãi lớn ở những thời điểm giá tăng liên tục.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng tình trạng này kéo dài có lẽ các cây xăng phải "sống" thêm bằng nhiều nghề khác như bán bảo hiểm xe máy, rửa xe, dầu nhớt…
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần có quy định cho phép các cửa hàng bán lẻ được mua hàng từ nhiều nhà cung cấp và chịu trách nhiệm về chất lượng, đồng thời quy định mức tối thiểu cho các đại lý bán lẻ…
Thêm vào đó, thị trường xăng dầu hiện nay khó dự đoán nên việc kinh doanh khó khăn. Ở thời điểm trước, chỉ cần có đủ dữ liệu, theo sát mức tăng giảm trên thị trường thế giới cùng với một số tính toán, nhiều doanh nghiệp đưa ra mức dự báo rất sát với giá liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố. Còn thời điểm hiện nay, thị trường thế giới thay đổi nhanh.
Chu kỳ điều chỉnh là 10 ngày thay vì 15 ngày như trước đây, song đầu kỳ dự báo là âm mà chỉ sau vài phiên lại biến động ngược chiều. Nhiều doanh nghiệp lúng túng không biết khuyến cáo khách hàng trong hệ thống của mình lấy hàng như thế nào vì biến động quá nhanh. Nếu dự báo, tính toán sai, không điều tiết được nguồn hàng thì họ sẽ chịu lỗ lớn.
Thực tế, với những doanh nghiệp bán lẻ nhỏ, lượng bán không đều, nếu không tính toán được sát sẽ rơi vào tình trạng lỗ liên tục vì lấy hàng giá cao, còn hàng tồn nhưng phải bán giá thấp theo quy định.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, thực tế đâu đó doanh nghiệp bán lẻ và đầu mối xăng dầu vẫn than khó cũng bởi thị trường xăng dầu chưa vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh. Do không có cạnh tranh nên còn có quy định lợi nhuận định mức của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, hay buộc phải duy trì Quỹ bình ổn giá.
Do vậy, ông Thịnh nhấn mạnh cần đưa thị trường xăng dầu vận hành theo thị trường, lúc đó Nhà nước cũng không còn phải lo các doanh nghiệp đầu mối có dự trữ 2 tuần hay không, khi thị trường cạnh tranh thì doanh nghiệp dự trữ nhiều hay ít, kinh doanh thế nào để đảm bảo duy trì hoạt động là quyền của họ, dự trữ thế nào để đảm bảo hoạt động kinh doanh, tránh tình trạng hàng tồn kho lớn nhưng do nhập từ trước với giá cao nên vẫn phải duy trì mức chiết khấu thấp với các doanh nghiệp bán lẻ.
"Đồng thời, chức năng đảm bảo an ninh năng lượng sẽ do Nhà nước đảm nhận thông qua việc xây dựng kho dự trữ để đảm bảo khi thị trường có biến động vẫn đảm bảo được nguồn cung xăng dầu trong nước", ông Thịnh nêu quan điểm.
Nhật Linh