Tuần vừa qua, giữa cuộc chiến chống lại lạm phát vẫn chưa kết thúc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất chuẩn lên mức cao nhất 15 năm. Ở lần này, Fed tăng lãi suất trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế có thể xảy ra vào năm 2023.
Mối lo giảm cung giữa suy thoái kinh tế
Nguy cơ suy thoái kinh tế năm 2023, nhất là với Mỹ, khi lãi suất tiếp tục tăng đang là điều mà các nhà xuất khẩu (XK) của Việt Nam quan tâm sát sao. Bởi lẽ Mỹ đang là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trong 11 tháng của năm 2022 ước đạt 101,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các DN dệt may cần có giải pháp phù hợp, thích ứng tốt với tình hình mới ở thị trường Mỹ nhằm có thể “ăn chắc mặc bền”. |
Theo Ts. Daniel Borer (Đại học RMIT), thị trường XK hàng hóa lớn nhất của Việt Nam hiện là Mỹ, với kim ngạch kỷ lục 112 tỷ USD vào năm 2021, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch XK. Nhưng khách hàng số 1 của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng khác vào năm tới, khi mà hiện nay nền kinh tế đang phải gánh chịu những đợt tăng lãi suất đột ngột do Fed áp đặt.
Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ cũng là điều mà Ts. Borer lưu ý. Không những vậy, bàn về tỷ giá, việc giữ tỷ giá VND-USD gần như cố định sẽ là việc khó duy trì trong trung hạn.
Trong câu chuyện mới đây, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) kiện đối tác XK lớn nhất của họ là sàn thương mại điện tử Amazon ở Mỹ phải bồi thường 280 triệu USD, cũng cho thấy phảng phất yếu tố suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Nhất là khi lạm phát kỷ lục, Fed nâng lãi suất và kết quả kinh doanh gây thất vọng, nên tăng trưởng doanh thu trong quý cuối cùng của năm 2022 được cho là chậm nhất trong lịch sử của Amazon, do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu khi kinh tế bất ổn.
Theo giới chuyên gia, suy thoái kinh tế ở Mỹ có thể dẫn đến tình trạng giảm cung đối với hàng hóa XK của Việt Nam trong năm 2023. Để ứng phó với tác động tiêu cực về XK vào thị trường Mỹ, đòi hỏi các DN Việt cần tiếp tục tiết giảm các chi phí, nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh tại thị trường XK, mặt khác cần tìm kiếm thị trường khác để phân tán rủi ro cả về nhu cầu nhập khẩu, cả về tỷ giá.
Không những vậy, các nhà XK của Việt Nam không thể lơ là các “đòn” phòng vệ thương mại (PVTM) từ Mỹ trong thời gian tới. Có thể thấy Mỹ hiện là quốc gia điều tra PVTM nhiều nhất trên thế giới với 1.169 vụ việc, trong đó có 855 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 301 vụ điều tra chống trợ cấp, 13 vụ điều tra tự vệ.
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương), cho rằng Mỹ cũng là quốc gia điều tra PVTM nhiều nhất đối với Việt Nam. Cho nên, các DN cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình XK sang Mỹ, cũng như hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Mỹ và phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM, hiệp hội DN trong quá trình xử lý vụ việc.
Thích ứng để tiếp cận lâu dài
Đứng ở góc độ của một hiệp hội DN, từ kinh nghiệm và thực tiễn, bà Đỗ Phạm Ngọc Tú, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (Vcosa), nhấn mạnh trong các vụ việc PVTM thì DN nào chủ động hợp tác, có các biện pháp minh bạch hoá thông tin, thể hiện thiện chí ngay từ sớm thì khả năng phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt sẽ giảm đi đáng kể.
“Ngoài ra, các DN bị nêu tên cũng cần phải chủ động hợp tác để tránh ảnh hưởng dây chuyền tới toàn ngành”, bà Tú nói.
Vị phó Chủ tịch Vcosa cũng nêu dẫn chứng cụ thể như việc Mỹ triển khai đạo luật chống sử dụng lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương (Trung Quốc). Để đảm bảo quyền lợi của ngành dệt may XK vào Mỹ, phía hiệp hội có khuyến nghị các DN Việt Nam cần xem xét nguồn gốc xuất xứ nghiêm ngặt hoặc loại bỏ nguồn nguyên liệu thô có xuất xứ từ Tân Cương để đảm bảo tiếp cận lâu dài với thị trường Mỹ.
Ngoài ra, để tuân thủ luật mới của Mỹ nhắm vào hàng hoá Tân Cương của Trung Quốc, theo bà Tú, các nhà sản xuất Việt Nam phải chuẩn bị tài liệu chứng minh sự thẩm định kỹ lưỡng trong quá trình đánh giá chuỗi cung ứng của họ. Và nhà sản xuất phải thay thế nguyên liệu từ Tân Cương, hoặc phải đáp ứng các tài liệu tương ứng, gồm tổng quan về chuỗi cung ứng, biểu đồ quy trình thu mua và sản xuất, bản đồ xuất xứ và sản xuất sản phẩm, danh sách tất cả các thực thể tham gia vào từng bước của quy trình sản xuất.
Hoặc với XK đồ gỗ vào Mỹ. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ từ năm 2015 đến năm 2022 liên tục gia tăng, nhất là từ năm 2017 tới năm 2021 trở đi mức tăng hàng năm đạt trên 15%. Tuy nhiên, từ năm 2020 cho tới nay ngành gỗ đối diện 4 vụ việc về PVTM từ thị trường Mỹ.
Cho nên, theo ông Liêm, điều quan trọng trong lúc này là cần đảm bảo chuỗi cung ứng “sạch” khi XK sang thị trường Mỹ và các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Trong xu thế chung, các DN chế biến gỗ tại Bình Dương cũng như DN trong ngành gỗ cả nước phải tích cực kiểm soát chuỗi cung ứng để thích ứng với các yêu cầu từ các nhà cung cấp.
Tựu trung lại, số liệu XK khả quan vào Mỹ từ đầu năm đến nay vẫn không làm mờ đi những thách thức mà các DN Việt sẽ phải đối mặt ở thị trường này trong năm 2023. Điều này đòi hỏi các DN cần có giải pháp phù hợp, thích ứng tốt với tình hình mới nhằm có thể “ăn chắc mặc bền”.
Thế Vinh