Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế - Hội đồng đầu tư ASEAN lần thứ 23 (AEM-AIA23), ngày 25/8, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế trên thế giới và trong khu vực.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế - Hội đồng đầu tư ASEAN lần thứ 23. |
"Chúng ta cũng sẽ cùng nhau thảo luận và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan trong khuôn khổ Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nội khối, rà soát và tháo gỡ các rào cản và trở ngại đối với đầu tư và hợp tác chiến lược trong công tác xúc tiến đầu tư", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá.
Theo đó, ông Dũng cho rằng bài học từ COVID-19 khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố tinh thần đoàn kết, thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, chung tay xây dựng cơ chế phản hồi tổng thể và toàn diện để đối phó với các thách thức toàn cầu, tận dụng cơ hội và đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả để cùng phát triển bền vững.
Vì vậy, đẩy mạnh đầu tư sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế của ASEAN, tạo việc làm và tăng cường sự gắn kết và nâng cao sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong khối ASEAN.
"Các thách thức thời gian qua sẽ là động lực để ASEAN tích cực cải thiện và nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, thông qua việc đưa ra các chính sách rõ ràng minh bạch; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế", ông Dũng nhấn mạnh.
Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng các nước ASEAN hoan nghênh việc Nghị định thư thứ hai và Nghị định thư thứ ba sửa đổi Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) có hiệu lực vào ngày 18/6/2020, sau khi Ban Thư ký ASEAN nhận được các văn kiện phê chuẩn cuối cùng.
Theo đó, Nghị định thư thứ hai sửa đổi ACIA đã sửa định nghĩa về nhà đầu tư là “thể nhân” trong ACIA để đề cập đến việc đối xử với thường trú nhân theo ACIA, trong khi Nghị định thư thứ ba sửa đổi ACIA đã loại bỏ đoạn 8 trong hướng dẫn áp dụng danh mục bảo lưu của ACIA, điều này tạo điều kiện đối xử bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư của các nước thành viên ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc hoàn tất việc ký Nghị định thư thứ tư sửa đổi ACIA vào ngày 15/7/2020. Nghị định thư này quy định bổ sung thêm nghĩa vụ TRIMs-Plus cấm đặt ra yêu cầu hoạt động đối với các khoản đầu tư vào ACIA.
Lê Thúy