Bản cập nhật tháng 8 Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2020 do Cơ quan Giám sát kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vừa công bố cho thấy, các biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 đã khiến nhiều nền kinh tế bị đình trệ, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, hoạt động kinh doanh gián đoạn và nhu cầu nội địa sụt giảm.
Bản cập nhật tháng 8 Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2020 vừa được AMRO công bố |
Lệnh cấm di chuyển quốc tế cũng làm ngành du lịch khu vực suy yếu. Điều đáng khích lệ là đại dịch đã được kiểm soát tương đối tốt trong khu vực, các chính quyền bắt đầu mở cửa trở lại.
"Chúng tôi dự đoán đà phục hồi của khu vực sẽ theo hình chữ U và được dẫn dắt bởi Trung Quốc", Hoe Ee Khor - Chuyên gia kinh tế trưởng tại AMRO nhận định.
"Năm nay, tăng trưởng khu vực dự kiến sẽ lao dốc mạnh từ 4,8% trong năm 2019 xuống còn 0,1%, trước khi phục hồi mạnh mẽ lên 6,0% vào năm 2021", chuyên gia này nói.
Theo báo cáo của AMRO, GDP Việt Nam được dự báo tăng 3,1% trong năm nay và 7% trong năm tới, cao nhất trong khu vực.
Nền kinh tế của 9 trên tổng số 14 thành viên ASEAN+3 được dự báo sẽ tăng trưởng âm trong năm nay. 5 nền kinh tế tăng trưởng dương là Việt Nam, Brunei, Lào, Myanmar và Trung Quốc.
Các chỉ số gần đây cho thấy sự cải thiện đáng kể trong sản xuất và thương mại của một số quốc gia. Nhiều hoạt động khác tại khu vực cũng dần phục hồi khi lệnh hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến các đợt bùng phát mới ở một vài nơi, khiến chính quyền một lần nữa phải thắt chặt lệnh hạn chế.
"Thách thức lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách ASEAN+3 phải đối mặt trong nửa cuối năm 2020 là việc cân bằng giữa nới lỏng lệnh hạn chế để vực dậy nền kinh tế và nguy cơ đối mặt một làn sóng lây nhiễm khác", Li Lian Ong - Trưởng nhóm chuyên gia giám sát tài chính tại AMRO bình luận.
Chuyên gia này cho rằng, việc quản lý để nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19 là chìa khóa cho sự ổn định tài chính khu vực.
H.L