Ngày 12/5, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức phiên tham vấn trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm đường mía Thái Lan theo hình thức trực tuyến. Các bên khác nếu có ý kiến về vụ việc có thể gửi văn bản trực tiếp tới cơ quan điều tra trước và sau phiên tham vấn, cơ quan điều tra sẽ phản hồi, tổng hợp trong báo cáo kết luận điều tra cuối cùng của vụ việc.
Khó khăn vẫn bủa vây
Theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Quyết định áp dụng biện pháp CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan được ban hành sau 5 tháng điều tra. Tuy nhiên, Quyết định sơ bộ này chỉ có hiệu lực trong vòng 120 ngày.
Nỗi lo đường phá giá từ Thái Lan chưa giảm, ngành mía đường lại "đau đầu" khi đường từ nhiều nước ASEAN tràn vào. |
"Vì vậy, ngày 12/5, Bộ Công Thương tổ chức phiên tham vấn công khai, lấy ý kiến các bên như nông dân, doanh nghiệp sản xuất, nhà nhập khẩu mía đường tới nhà sản xuất, xuất khẩu của Thái Lan. "Bộ Công Thương lắng nghe ý kiến của các cá nhân, tham vấn các bên liên quan trước khi đưa ra quyết định cuối cùng", bà Giang cho biết.
Đại diện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất mía đường, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhớ lại, thời điểm sau Hội nhập ATIGA là tháng 1/2020 - tháng đầu tiên còn "ngập ngừng" nhưng tới tháng 2/2020, lượng đường nhập vào Việt Nam nhiều như "thác đổ". Năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam phá kỷ lục, đạt hơn 1,5 triệu tấn, với mức giá thấp hơn giá mía được sản xuất tại Thái Lan.
Tuy nhiên, ông Lộc cho biết việc Bộ Công Thương ban hành quyết định áp thuế CBPG, CTC với đường nhập từ Thái Lan đã mở ra "trang sử" mới của ngành đường Việt Nam, phát huy được công cụ phòng vệ thương mại. Ngành mía đường Việt Nam bắt đầu thấy được con đường phía trước.
"Giá đường trong nước cải thiện, DN nâng giá thu mua mía của nông dân, khuyến khích người nông dân quay lại trồng mía. Điều này mang đến sự hồi sinh cho ngành. Năm 2020, nếu Bộ Công Thương không ra quyết định điều tra với đường Thái Lan, có lẽ vụ mía đường vừa rồi là vụ cuối cùng", ông Lộc nói.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký VSSA cho biết, việc áp thuế sơ bộ với đường Thái Lan mới chỉ là bước đầu. Bởi thực tế, sau khi có quyết định điều tra, rồi áp thuế sơ bộ thì hoạt động nhập khẩu đường không giảm mà còn tăng lên. Trong trường hợp này đã dẫn tới tình huống nhà máy chế biến đường của Việt Nam không thể nâng giá mía cho nông dân vì chưa bán được hàng như kỳ vọng.
Đặc biệt, khi đường Thái Lan bị áp thuế thì lại xảy ra tình trạng biến tướng về lẩn tránh thuế xảy ra quy mô lớn. Theo ông Lộc, DN mía đường tin chắc đường của Thái Lan đã đi sang các nước để vào Việt Nam, tất nhiên để chứng minh điều này rất phức tạp.
Mặt khác, ở quyết định chính thức về vụ việc điều tra CBPG, CTC với đường nhập khẩu từ Thái Lan, đại diện VSSA cho rằng: Bộ Công Thương cần cân nhắc về mức thuế đối với đường thô nhập từ Thái Lan. Cụ thể, Bộ Công Thương quyết định tạm thời áp thuế ở mức 33,88%, thấp hơn so với đường tinh luyện. Điều này sẽ khuyến khích nhập đường thô về Việt Nam.
Thận trọng "chặn" mía đường từ ASEAN
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, 3 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Cụ thể, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mạnh, lên tới 5735% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong các nước nêu trên, Malaysia là quốc gia không trồng mía, còn Indonesia và Campuchia là các quốc gia sản xuất không đủ và phải nhập khẩu đường.
Trong khi đó, ông Võ Thành Đàng, Phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Đường Quảng Ngãi, chia sẻ DN này đã đầu tư nhà máy có công suất lớn, với thiết bị công nghệ hiện đại mới nhất... Tuy nhiên, điều DN mía đường cần nhất là hội nhập bình đẳng, thị trường trong nước không bị đường nhập khẩu bán phá giá. Nếu đường lậu vẫn tràn lan, bán phá giá thì dù DN mía đường trong nước có cố gắng đến đâu cũng khó khăn.
Theo đó, ông Đàng cho rằng để DN, nông dân trồng mía đường ổn định, có kế hoạch phát triển lâu dài thì Bộ Công Thương cần sớm ban hành quyết định chính thức áp thuế CBPG, CTC với đường Thái Lan. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cần tính tới giải pháp chống buôn lậu, ngăn chặn đường nhập lậu tràn vào Việt Nam.
Theo nguyên tắc thuế tăng thì đường lậu sẽ hoành hành. Ông Đàng cho biết điều tra của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy năm 2019, cả nước tiêu thụ 2,1 triệu tấn đường, trong đó 3/4 là tiêu thụ ở cơ sở chế biến. Vậy, muốn ngăn chặn đường lậu thì phải có giải pháp để kiểm soát chặt nguồn đường vào các cơ sở, DN chế biến. Đây là giải pháp mà Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần phải tính đến.
Trước phản ánh của DN, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho biết Cục sẽ xem xét kỹ các số liệu chứng minh để ban hành quyết định cuối cùng về vụ việc CBPG với đường Thái Lan, sau đó sẽ kiến nghị phương án xử lý về các kiến nghị của DN.
Bà Giang cũng cho biết, đến thời điểm này đã nhận được văn bản chính thức về việc chênh lệch thuế giữa đường thô và tinh, có dấu hiệu gian lận thương mại nhập khẩu đường từ một số nước. Số liệu nhập khẩu đường trong tháng 3/2021 cho thấy, nhập khẩu đường từ Thái Lan giảm, trong khi nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Campuchia, Myanmar lại tăng lên với tổng xấp xỉ bằng lượng đường nhập từ Thái Lan trong thời gian trước đây.
"Tuy nhiên, muốn xử lý đúng pháp luật quốc tế là câu chuyện không phải đơn giản, không phải cứ quy chụp mà thiếu căn cứ. Do vậy, Bộ Công Thương cần điều tra, từ đó có căn cứ để đưa các quyết định hành chính đúng với cam kết hội nhập, tránh các nước có cớ trả đũa, yêu cầu chúng ta phải bồi thường", bà Giang chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Toản Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Trong bối cảnh mới, ngành mía đường cần thêm nhiều giải pháp để phát triển bền vững. Với trách nhiệm của mình, Bộ NN&PTNT đã và đang hỗ trợ ngành xây dựng vùng nguyên liệu, khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất. Bộ NN&PTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ một nghị định về cơ giới hoá nông nghiệp. Đây sẽ là một hành lang pháp lý rất quan trọng để chúng ta đẩy mạnh cơ giới hoá và các hoạt động chế biến sâu của ngành mía đường. Ông Đặng Việt Anh Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sơn La Các nước trong khối ASEAN nói là mở cửa thị trường đường nhưng họ bảo vệ rất chặt thị trường phân phối trong nước. Đơn cử như Thái Lan, muốn bán ra hay nhập khẩu đường vào nước này đều phải thông qua 8 đầu mối, còn không thì đừng mơ bán được 1kg đường ở Thái Lan. Hay Philippines, Indonesia dù có nhập khẩu được vào thì cũng có khó tiếp cận được hệ thống phân phối của họ. Nói điều này để thấy Việt Nam muốn tiếp cận thị trường của các nước trong ASEAN là điều bất khả thi, do vậy nếu chúng ta buông lỏng thị trường trong nước thì doanh nghiệp, nông dân chắc chắn sẽ rất khó khăn. Ông Lê Văn Tam Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn Giải pháp lớn của ngành mía đường không chỉ làm mía, làm đường mà từ đường cần làm ra nhiều sản phẩm nữa, sản phẩm được thị trường chấp nhận thì mới phát triển được. Đồng thời, thị trường quan trọng nhất là chống buôn lậu. Nếu không cảnh giác, chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn nữa chứ không chỉ thế này. Buôn lậu có thể thêm nhiều hình thức khác, qua các nước khác, khiến nguy hiểm cho giá đường thô, đường trắng gây ra sự cạnh tranh khốc liệt ở chính "sân nhà". |
Lê Thúy