Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) dù chưa phải là thị trường lớn của ngành dệt may Việt Nam. Song, việc Bộ Công Thương lần thứ 3 phát đi cảnh báo Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) thông báo mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định VN-EAEU FTA là điều mà các doanh nghiệp (DN) trong ngành cần phải lưu ý.
Không nên xem nhẹ thị trường nhỏ
Theo đó, nhóm mặt hàng áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy gile, cardigans (mã HS 6110) của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong năm 2020 đã vượt mức ngưỡng ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2020 (đạt 1.640.902 kg so với mức quy định là 1.519.373 kg).
Xuất khẩu dệt may chấp nhận giảm giá để giành đơn hàng. |
Phía EAEU mới lưu ý về nhóm hàng mã HS 6110, nhưng theo thống kê của Hải quan EAEU thì nhóm váy, đầm, quần áo phụ nữ (mã HS 6104.41, 6104.42, 6104.43, 6104.44, 6104.49, 6204.42, 6204.44, 6204.49) cũng đã vượt ngưỡng quy định (đạt 414.973 kg so với mức quy định là 382.796 kg).
Mặc dù vượt ngưỡng ở mức thấp, tuy nhiên, theo Điều 2.10 của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU (VN-EAEU FTA) quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế tối huệ quốc (MFN) trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
Như vậy, nếu tiếp tục vượt ngưỡng quy định ở các nhóm hàng trên để rồi bị áp thuế MFN, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường này sẽ mất đi lợi thế về giá do không còn được hưởng thuế ưu đãi.
Trao đổi với VnBusiness, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho biết, các DN thành viên cũng đã nắm được thông tin này, nhưng do EAEU là thị trường nhỏ nên không mấy DN quan tâm. Tuy nhiên, ông Hồng cũng cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu dệt may đang phải chắt chiu từng cơ hội, nếu những cơ hội để giành lợi thế so với đối thủ tại thị trường EAEU bị mất đi thì sẽ rất đáng tiếc.
"Nói thị trường cũ - bạn hàng mới là ở chỗ đó. Thị trường EAEU là thị trường lâu đời với DN dệt may Việt Nam, nhưng chúng ta cũng đừng xem nhẹ khi ở đây vẫn còn nhiều bạn hàng mới", ông Hồng phân tích.
Theo Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, hiện nay, nhiều DN đã đàm phán được những đơn hàng cho đến hết quý II, nhưng nhìn chung giá lại giảm gần 10% so với năm ngoái. Trong bối cảnh khó khăn, để chia sẻ với khách hàng, DN sản xuất cũng buộc phải giảm giá. Đồng thời, giảm giá cũng là để cạnh tranh với chính các đối thủ của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh...
Đầu vào đắt nhưng đầu ra phải rẻ
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương chia sẻ, do người tiêu dùng tại EU và Mỹ đều đang tiết giảm chi tiêu rất mạnh nên dù nhu cầu mua sắm hàng dệt may vẫn có nhưng mức giá bị kéo giảm khá nhiều, buộc các DN phải tính toán lại các khâu sản xuất để giảm giá thành.
Các DN trong nước đã có đơn hàng song cũng mới chỉ đáp ứng ở mức độ duy trì sản xuất, triển vọng vẫn chưa rõ ràng. Dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thế giới, trong khi các thị trường chưa ổn định, khó tăng trưởng tốt.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, hiện nay, một số khách hàng truyền thống của các DN gặp khó khăn, không vượt qua được trong năm 2020, nhất là thị trường Mỹ có hơn 10 thương hiệu lớn phải đóng cửa. Họ chính là những khách hàng của DN lớn trong Tập đoàn nên khó khăn lớn nhất với các DN dệt may hiện nay là vừa phải tìm khách hàng mới, vừa phải lao vào cuộc cạnh tranh về giá rất khốc liệt.
Các DN dệt may Việt Nam phải đối mặt với xu thế giảm giá ngặt nghèo, đặc biệt khó khăn hơn cho những đơn vị kinh doanh mảng dệt và may. Kể từ tháng 12/2020 - 2/2021, giá sợi tăng lên rất nhiều khiến những đơn vị làm dệt, may rất căng thẳng. Hiện nay, những DN làm dệt gần như khó làm nổi do giá vải chưa tăng lên hoặc tăng không đáng kể, trong khi giá sợi đã tăng 25%.
Bên cạnh áp lực giảm giá chung của thị trường, DN ngành dệt may còn chịu áp lực về nguyên liệu đầu vào, trong khi chuỗi chưa điều chỉnh giá vải bán ra. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thấp, tồn kho bông cũng giảm mạnh.
Mặt khác, qua đại dịch, xu thế tiêu dùng may mặc của thế giới đã thay đổi rất nhiều. Trong năm 2020, các mặt hàng veston, sơ mi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ mi giảm hơn 30%). Trong năm 2021, các mặt hàng kể trên có sự phục hồi nhất định so với năm 2020 nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam đã đạt được trước đó.
"Có thể chắc chắn rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường sẽ tiêu thụ chính yếu các mặt hàng cơ bản, giá cả tương đối rẻ. Thực tế hiện nay, các nhà máy may của Việt Nam vẫn chạy đầy tải các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản", ông Trường cho biết.
Ông Phạm Xuân Hồng cũng bổ sung, do các mặt hàng cao cấp chưa có nhu cầu cao đã khiến nhiều DN dệt may phải chuyển hướng sang làm hàng phổ thông. Điều đó dẫn đến có loại máy móc đầu tư đắt tiền để chuyên làm hàng cao cấp đã phải bỏ không, trong khi giá trị thu về của DN thì thấp hơn.
Có thể nói, đây là những vấn đề mà ngành dệt may đang phải đối mặt trong những tháng đầu của năm 2021 khi mà "bóng đen" u ám từ dịch COVID-19 vẫn còn đó. Điều này đòi hỏi khả năng thích ứng của DN dệt may trong việc tìm kiếm thị trường, cũng như chắt chiu từng cơ hội tại các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA.
Thy Lê