Sáng 6/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo dự báo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries cho biết: “Tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh”.
ADB dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% –10% trong năm nay |
Chi tiết hơn, Giám đốc ADB phân tích, thị trường lao động đang phục hồi, cùng với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% vào năm 2022. Sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm nay, do nhu cầu trong nước phục hồi và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng lên.
Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong năm nay. ADB dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% – 10%. Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và đầu vào cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, và tiêu dùng trong nước phục hồi trở lại. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2,0% vào năm 2023.
Việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm nay. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan. Cùng với sự phục hồi kinh tế và tình trạng bất ổn của giá dầu toàn cầu, lạm phát dự kiếnsẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023.
Tuy nhiên, báo cáo của ADB cũng nêu rõ những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Tình trạng nhiễm COVID-19 cao kể từ giữa tháng 3, nếu không được giảm bớt, có thể cản trở sự quay trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế trong năm nay. Nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh do Nga đưa quân vào Ukraine sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát của Việt Nam. Sự phục hồi cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Hơn nữa, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của Việt Nam, làm cho nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát.
Các chuyên gia ADB dự báo, lạm phát tại Việt Nam sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023.
Để hạn chế những rủi ro này, các chuyên gia cho rằng cần đảm bảo triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những cấu phần quan trọng nhất của các gói hỗ trợ. Vì vậy, cần đảm bảo triển khai cấu phần hạ tầng một cách kịp thời có thể rủi ro, do vấn đề mang tính hệ thống trong quá trình chuẩn bị, phê duyệt và giải ngân dự án ở Việt Nam gây nên bởi các thủ tục đầu tư công phức tạp và cứng nhắc, đặc biệt là trong công tác thu hồi đất đai, tái định cư và mua sắm đấu thầu.
Vì vậy, ABD cho rằng, để thực hiện kịp thời cần phải đơn giản hóa triệt để và thay đổi các quy định về đầu tư công cũng như công tác phối hợp chính sách.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định việc giảm thuế VAT có thể tạo ra các tác động chuyển tiếp đáng kể và trên diện rộng nếu được thực hiện thành công. Tuy nhiên, các tiêu chí đáp ứng điều kiện và thủ tục rất phức tạp có thể hạn chế khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp đối với chính sách giảm thuế VAT. Cần có các tiêu chí về đáp ứng điều kiện và thủ tục rõ ràng hơn để hỗ trợ thực hiện chính sách giảm thuế VAT một cách nhanh chóng.
Thanh Hoa