Sáng 20-9, Bộ Công Thương tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2024. Theo đó có 7 thương nhân đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2024 phân giao theo phương thức đấu giá có hồ sơ và Phiếu bỏ giá đầy đủ, hợp lệ.
Cụ thể, gồm: Công ty Cổ phần Đường Việt Nam: 20.000 tấn; Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi: 20.000 tấn; Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn: 20.000 tấn; Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa: 20.000 tấn; Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Biên Hòa: 20.000 tấn; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu AgriS Ninh Hòa: 20.000 tấn; Công ty Cổ phần Mía đường Sông Lam: 1.000 tấn.
Tổng lượng đường năm 2024 được phân giao theo phương thức đấu giá là 121.000 tấn trên tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu công bố năm 2024 là 126.000 tấn, chiếm tỷ lệ 96,03%. |
Được biết, tổng lượng đường năm 2024 được phân giao theo phương thức đấu giá là 121.000 tấn trên tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu công bố năm 2024 là 126.000 tấn, chiếm tỷ lệ 96,03%.
Nói về thị trường đường trong nước, các chuyên gia cho rằng, kể từ năm 2021, sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, ngành mía đường trong nước đã và đang ghi nhận sự hồi sinh.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích trồng mía cả nước niên vụ 2023/24 là 174.842 ha, trong đó diện tích mía của nông dân liên kết bán nguyên liệu cho nhà máy đường chiếm 93% trong tổng diện tích mía cả nước.
Niên vụ sản xuất 2023 - 2024 đã ghi nhận rất nhiều chuyển biến tích cực của ngành mía đường Việt Nam. Về năng suất đường, với mức tăng trưởng 4 vụ liên tiếp, lần đầu tiên ngành mía đường Việt Nam đạt mốc 6,79 tấn đường/ha. So với các nước sản xuất mía đường chính trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines..., thành tích trên đã lần đầu tiên đưa ngành mía đường Việt Nam vào vị trí số 1 về năng suất đường.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết theo kết quả tổng hợp số liệu báo cáo của các Nhà máy đường còn hoạt động trong niên vụ 2023/24, tổng diện tích mía thu hoạch vụ 2023/2024 là 163.019 ha, tăng 11,4% (tương ứng tăng 21.113 ha) so với niên vụ trước. Trong khi đó, diện tích mía thu hoạch niên vụ 2022/2023 là 141.906 ha và vụ 2021/2022 là 124.753 ha.
Điều này cho thấy, kể từ năm 2021, sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể. Đáng chú ý, giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng qua 5 vụ liên tiếp (mức tăng 152% so với vụ 2019/20), từ giá chỉ 0,85-0,9 triệu đồng/tấn năm 2020, hiện nay đã đến mức 1,2 – 1,3 triệu đồng/ tấn mía.
"Mức giá mua mía này đã tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực (so với giá mía niên vụ 2023/24 của Thái Lan là 38,9 USD/tấn, tương đương 935.000 đồng/tấn, giá mua mía của ngành đường Việt Nam 1.267.993 đồng/tấn, cao hơn 35%). Nhờ đó, đã dẫn đến gia tăng diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây", ông Lộc chia sẻ.
Niên vụ 2023/24 cũng cho thấy sự chuyển dịch lớn trong sản xuất mía đường. Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên với lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp và công nghiệp chế biến đã có mức tăng trưởng ngoạn mục, tăng 96% so với niên vụ 2020/21. Khu vực này với 62% sản lượng đã trở thành trung tâm sản xuất mía đường lớn nhất của cả nước
“Về mặt thị trường, giá đường của các nhà máy trong nước bán ra đã thấp hơn so với các nước. Cụ thể, giá đường của Philippines là 193%, Indonesia là 106% và Trung quốc là 107% so với Việt Nam. Như vậy trong vụ ép 2023/24, ngành đường Việt Nam đã cho thấy năng lực cạnh tranh thực sự khi tiếp tục thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương hoặc cao hơn với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất”, ông Nguyễn Văn Lộc khẳng định.
Hồng Hương