1. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 26,8%
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 7, cả nước có gần 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 0,7% so với tháng trước; tăng 50,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2022, cả nước có 133,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. |
Cả nước còn có 2,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021; có 5.285 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 3% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.416 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 14,2% và tăng 12,3%; có 1.767 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,7% và tăng 22,5%.
Tính chung 7 tháng năm 2022, cả nước có 133,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,7%, bình quân một tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
2. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8%
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,7%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 30,5%; Hà Tĩnh giảm 10,8%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm trước.
3. Xuất khẩu hàng hóa tăng 16,1%, nhập khẩu tăng 13,6%
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. |
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,6 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa: tháng 7 ước tính xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,31 tỷ USD).
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy năm 2022 ước đạt 486 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 0,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 11,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1,8%).
4. Vốn đầu tư FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua
Số liệu cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2022 ước đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 42,3% và tăng 6,3%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2022 có 67 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 313,8 triệu USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước; có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 44,9 triệu USD, giảm 89,4%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 358,8 triệu USD, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm trước.
5. Chỉ số CPI tăng 2,54%, lạm phát cơ bản tăng 1,44%
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. |
Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Chỉ số giá vàng tháng 7/2022 giảm 2,39% so với tháng trước; tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 6,58%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2022 tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 0,08%.
6. Khách quốc tế gấp 10 lần cùng kỳ năm trước
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động vận tải trong tháng 7 diễn ra nhộn nhịp với những kết quả tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Trong đó, vận chuyển hành khách gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,9 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 79% về vận chuyển và tăng 64,3% về luân chuyển. Tính chung 7 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 37,1% và vận chuyển hàng hóa tăng 16,1%, luân chuyển hàng hóa tăng 22,9%.
Đáng chú ý, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
7. Thu ngân sách Nhà nước tăng 18,1%
Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2022 ước đạt 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế chi ngân sách Nhà nước đạt 842,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán năm và tăng 3,7% so với 7 tháng năm 2021, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Phương Linh