Bộ Tài chính vừa có Công văn số 6013/BTC-ĐT báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 5 tháng, ước thực hiện 6 tháng kế hoạch năm 2022.
Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, báo cáo cho biết, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 31/5/2022 là 110.130,69 tỷ đồng, đạt 18,80% kế hoạch (585.655,441 tỷ đồng) và đạt 20,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (542.105,895 tỷ đồng). Trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt 22,97% kế hoạch và đạt 25,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (Ảnh minh họa: Int) |
Trong đó, vốn trong nước là 107.946,13 tỷ đồng (đạt 19,60% kế hoạch giao là 550.855,441 tỷ đồng); vốn nước ngoài là 2.184,56 tỷ đồng (đạt 6,28% kế hoạch giao là 34.800 tỷ đồng).
Ước thanh toán từ đầu năm đến 30/6/2022 là 150.415,78 tỷ đồng, đạt 25,68% kế hoạch (đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt 26,23% kế hoạch và đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, vốn trong nước là 147.418,92 tỷ đồng (đạt 26,76% kế hoạch và đạt 29,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); vốn nước ngoài là 2.996,86 tỷ đồng (đạt 8,61% kế hoạch).
Đánh giá về tình hình giải ngân kế hoạch năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%); trong đó vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%), vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%).
Có 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đạt 71,55%, Ngân hàng Phát triển: 49,42%, Ngân hàng Chính sách xã hội: 48,3%, Phú Thọ: 51,13%, Lâm Đồng: 47,68%, Bình Thuận: 45,06%, Ninh Bình: 43,88%, Tiền Giang: 42,7%.
Tuy nhiên, vẫn có tới 40/51 Bộ và 25/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, trong đó có 25 Bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, bao gồm 4 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Phương Linh