Luỹ kế 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do Hà Nội quản lý đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 30,5% kế hoạch năm, cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước.
Không để các dự án "án binh, bất động"
Tính chung 5 tháng, vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố thực hiện 7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 32,4% kế hoạch năm; vốn ngân sách nhà nước cấp quận, huyện thực hiện 7,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27% và đạt 28,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã, phường thực hiện 595 tỷ đồng, giảm 21,8% và đạt 37,3%.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sau khi khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố đồng thời sẽ giải quyết bớt áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô. |
Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công chậm, cuối năm ngoái TP Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc biệt của TP và quận, huyện, thị xã. Tổ công tác có nhiệm vụ thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các “điểm nghẽn” trong giải ngân đầu tư công.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, trong quý I-2022, nhiều địa phương đạt kết quả quan trọng trong giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp vào kết quả chung của thành phố như: Quận Đống Đa có tỷ lệ giải ngân đạt 72,1% kế hoạch năm; các quận, huyện: Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức có tỷ lệ giải ngân đạt cao từ 22% đến 40% kế hoạch năm.
Tiếp đó, sang đầu tháng Tư 2022, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 15/2022/QĐ-UBND quy định một số nội dung về quản lý đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công của TP Hà Nội.
Theo đó, các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng vốn góp của Nhà nước; Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án có tính chuyên ngành sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội; Dự án sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách TP để đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên trong cơ sở đã có của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do TP quản lý.
Nguyên tắc quản lý chương trình, dự án đầu tư công phải bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của địa phương và quy hoạch liên quan theo quy định pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, bảo vệ môi trường; Phù hợp với quy định về phân cấp quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội của Nhà nước và TP Hà Nội. Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công phải tuân theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; Bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực, không để thất thoát, lãng phí...
Quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân 2022
Trao đổi với VnBusiness, một số chuyên gia kinh tế nhận định, trong những tháng đầu năm tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn còn chậm. Thành phố đang khẩn trương chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện thi công các công trình; giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2022.
Đơn cử, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ tháng 9/2010 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tiến độ toàn dự án đạt khoảng 74,6%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,2%, đoạn ngầm vẫn “án binh”, chỉ đạt 33%.
Khách quan mà nói, một số dự án đầu tư công chuyển tiếp từ năm 2021 đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, UBND thành phố cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan như một số chủ đầu tư và một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, chưa làm đúng theo cam kết của đơn vị với thành phố…
5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do Hà Nội quản lý đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 30,5% kế hoạch năm. |
Trong bối cảnh đó, trung tuần tháng Tư vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm của thành phố, được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm công tác năm 2021 và đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Một trong những mục tiêu là hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022; phấn đấu hoàn thành giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân 2022, TP Hà Nội đưa ra những giải pháp như: Yêu cầu các cấp tăng cường theo dõi, chủ động kiểm tra, rà soát dự án, rút ngắn tối đa thời gian, tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng công trình; khẩn trương hoàn thành công việc còn tồn đọng của các dự án; thực hiện thủ tục thanh toán cho dự án ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu; thực hiện bàn giao, hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán, quyết toán dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn cử, dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km. Đến nay, dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông. Các hạng mục đang đảm bảo tiến độ, dự kiến hoàn thành dự án vào giữa năm 2023.
Đến nay, Thành phố đã đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm, đưa vào sử dụng 51 dự án cải tạo, sửa chữa để nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng giao thông; 6 nhánh lên xuống cầu cạn Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); triển khai phương án tiếp nhận, bàn giao và đưa vào vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
TP Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương, đường Vành đai 3... Việc triển khai hiệu quả nhiều công trình giao thông trọng điểm góp phần tăng năng lực hạ tầng giao thông; giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan đô thị.
Ngoài ra, với việc xem công tác giải ngân vốn đầu tư công là cơ sở, thước đo đánh giá để mỗi đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu, UBND thành phố sẽ xem xét, điều chuyển vốn đối với các trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư trong năm 2022.
Đức Anh