Có hai vụ “cầu cứu” gần đây của hai “ông lớn”, một của Nhà nước, một của tư nhân khiến dư luận phải chú ý dù chuyện thua lỗ, nợ nần của hai DN này râm ran từ khá lâu.
Với khoảng lỗ 2.700 tỷ đồng của công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã buộc UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho họ.
Trường hợp thứ hai chính là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Gián tiếp qua kênh báo chí đã thể hiện DN này cũng muốn được hỗ trợ tháo gỡ các bế tắc trong vấn đề nợ nần với một loạt các ngân hàng thương mại. Còn nếu bí bách quá, sẽ lựa lúc để bán bớt các mảng miếng quan trọng để trả nợ.
Loay hoay với nợ
Với Đạm Ninh Bình, ngoài khó khăn khách quan do giá đạm thế giới sụt giảm, nhiều nhận định tỏ ra chê trách lỗi chủ quan của lãnh đạo công ty này khi chất lượng sản phẩm thấp, cạnh tranh kém, không được thị trường chào đón, dẫn đến thua lỗ là đương nhiên.
Tình hình tồn kho là áp lực lớn của Đạm Ninh Bình, nhất là khi mỗi năm, Đạm Ninh Bình đang phải trả lãi vay tới khoảng 800 tỷ đồng, khấu hao khoảng 680 tỷ đồng. Điều đáng nói, DN đã hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất và các chính sách ưu đãi của địa phương.
Với HAGL, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2016 đã soát xét, nợ ngắn hạn của họ là 12.343 tỷ đồng, nợ dài hạn 14.340 tỷ đồng, tổng nợ 26.683 tỷ đồng. Việc vay vốn ngân hàng để đầu tư vào cao su, bò sữa, mía đường, thuỷ điện, cọ dừa, cây ăn trái… ở vùng biên giới Lào – Campuchia – Việt Nam đã mang lại rủi ro lớn trong bối cảnh thị trường nông nghiệp rất thất thường.
Hoàng Anh Gia Lai đang cân nhắc tái cơ cấu nợ, không loại trừ bán bớt các mảng miếng quan trọng để trả nợ
Ngân hàng BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL. Ngoài ra, còn có các chủ nợ lớn khác như Eximbank, VPBank, Liên doanh Lào-Việt, Sacombank, HD Bank, Bắc Á Bank… Tính cả khoản cho vay tín dụng đơn thuần, BIDV và Chứng khoán BSC đã thu xếp phát hành trái phiếu cho HAGL lên đến 10.715 tỷ đồng (hơn một nửa số vay của chủ nợ này là vay dài hạn).
Thời ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch BIDV) chưa về hưu, có lưu ý không nên bới móc khó khăn của HAGL mà cần tìm biện pháp bình ổn. Theo ông Hà, HAGL là đối tác có lịch sử tín dụng sòng phẳng, tài sản đảm bảo vượt 1,8 lần dư nợ 10.500 tỷ đồng nên không chỉ BIDV, 9 ngân hàng khác đều đang đồng lòng hỗ trợ họ tái cơ cấu.
Có cứu nổi?
Nhưng từ ngày 1/9 vừa qua, ông Hà đã chính thức rời BIDV để về hưu, và điều mà dư luận quan tâm nhất chính là vị tân chủ tịch ngân hàng này sẽ cư xử như thế nào trước khoản nợ khủng của HAGL?
Chỉ biết rằng, thông qua kênh báo chí, gần đây HAGL đang cân nhắc chuyện tái cơ cấu nợ. Mới đây, HAGL đã thương lượng xong việc bán mảng mía đường ở Attapeu (Lào) cho Thành Thành Công Group với giá 2.200 tỷ đồng. Và HAGL cũng đang muốn bán 20.000ha cao su cho một số đối tác Trung Quốc lấy 8.000 tỷ đồng trả nợ.
Sẽ khập khiễng nếu so sánh những khó khăn, lỗ lãi, nợ nần giữa một “ông” DN nhà nước như Đạm Ninh Bình với một tập đoàn tư nhân như Hoàng Anh Gia Lai. Nhưng để “cứu” hai DN thoát khỏi “vòng xoáy” nợ nần các ngân hàng thì vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Cần nhắc lại, vào tháng 12/2015, HAGL đã có văn bản gửi Chính phủ xin tái cơ cấu nợ do giá cao su xuống quá thấp. Nhưng việc này vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng.
Thực tế, chuyện nợ nần của Đạm Ninh Bình hay HAGL chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” về những “ông lớn” DN dính tai tiếng vào chuyện nợ nần quá nhiều. Đã có tình trạng nhiều DN lớn đang tồn tại chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay “khủng” từ ngân hàng. Một khi ngân hàng ngừng bơm vốn, thu hồi nợ thì các “ông lớn” này sẽ có nguy cơ đổ vỡ.
Theo giới chuyên gia, một phần nguyên nhân của tình trạng này là do tham vọng và sai lầm của các “ông lớn” khi dùng tiền vay ngân hàng để đầu tư dài hạn 5-10 năm, đầu tư tràn lan không tính đến hiệu quả và khả năng thu hồi vốn, để rồi đi…“cầu cứu”.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh về bài học rút ra từ “vòng xoáy nợ nần ngân hàng” của một số “ông lớn” DN hiện nay, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) cho rằng chỉ có cách là DN phải tăng cường quản trị điều hành của mình, tìm ra những biện pháp trong hoạt động kinh doanh để đảm bảo giảm nợ và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
“Chứ DN không thể dùng báo cáo tài chính như là một công cụ để “make up” sức khoẻ của DN mình được. Cũng giống như khi chúng ta che giấu những dấu hiệu bệnh tật, đến khi nó vỡ ra thì không thể cứu được DN” – ông Vinh chia sẻ.
Theo ông Trịnh Đức Vinh, thực ra khi cho vay, các ngân hàng chắc chắn có tìm hiểu “sức khoẻ” của DN. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sự hỗ trợ của ngân hàng với DN không như những gì chúng ta kỳ vọng.
Vị lãnh đạo của Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán nhận định, có những DN đóng vai trò như có những mối liên quan trực tiếp về lợi ích với ngân hàng. Hoặc trong bối cảnh có những ngân hàng trước đây đã cho DN vay, nếu bây giờ không tiếp tục tài trợ tiếp cho DN, để họ rơi vào tình trạng phá sản thì ngân hàng sẽ mất hết. Cho nên có ngân hàng có thể rơi vào tình trạng “đâm lao thì phải theo lao”.
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến lưu ý rằng nếu con nợ càng lớn, khoản vay càng lớn, càng ít bị phá sản bởi Nhà nước sẽ tham gia giải cứu, sẽ tạo nên tâm lý liều lĩnh, thiếu trách nhiệm trong sử dụng vốn, thiếu trách nhiệm trong thẩm định cho vay vốn.
Thế Vinh