Theo thông tin từ Viettel, sau trải nghiệm thực tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày qua, tốc độ 4G đo được đạt trung bình lên tới 50 - 80 Mb/s (cao gấp 5 - 7 lần tốc độ trung bình của mạng 3G). Đặc biệt, có những khu vực tốc độ lên tới hơn 230 Mb/s. Nghĩa là, nếu so với tốc độ chuẩn của công nghệ 4G LTE-A có tốc độ download 300 Mb/giây, upload 150 Mb/giây, thì 4G tại Việt Nam hiện đã đạt hơn 70%.
![]() |
Ngay cả iPhone cũng chưa thể dùng 4G
4G có lợi hơn 3G?
Những con số lý tưởng trên được đo khi gói cước (trả trước) còn lưu lượng 4G tốc độ cao và nếu tốc độ truy cập internet được duy trì như vậy, người dùng có thể hoàn toàn hài lòng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau khi hết lưu lượng, mạng 4G (dù vẫn được miễn phí) có quay trở lại với tốc độ “rùa bò” như khi dùng 3G? Và sau thời gian thử nghiệm, tốc độ có còn được duy trì hay không?
Ở một khía cạnh khác, nhiều người lại quan tâm đến vấn đề minh bạch, công bằng trong việc tính giá cước. Rất nhiều người dùng đã và đang than vãn về cách tính cước của dịch vụ 3G hiện tại. Không ít tài khoản “bỗng dưng” bị “bay hơi” khi dùng các gói cước 3G của các nhà mạng, thậm chí khiến nhiều người dùng “sống dở, chết dở”.
Anh Đặng Phương Nam (Ba Đình, Hà Nội), chia sẻ: “Hy vọng 4G sau khi được phủ sóng rộng sẽ nhanh và làm ăn tử tế hơn. Tôi đang rất bực mình về mạng 3G, không chỉ về tốc độ quá chậm, mà còn vì nhiều lần mất tiền oan. Gọi thắc mắc tổng đài thì chỉ thêm bực vào mình”.
Rõ ràng, những lo lắng của người dùng mạng hoàn toàn dễ hiểu. Khi tốc độ 3G chậm chạp dần buộc người dân phải chấp nhận, thì những “chiêu” trừ tiền của nhà mạng vẫn khiến người dùng không thể chấp nhận. Nhiều người cho rằng nhà mạng “bóp” băng thông, giảm tốc độ truy cập xuống rất thấp (sau khi hết lưu lượng tốc độ cao) là để buộc khách hàng phải bỏ tiền mua thêm lưu lượng.
“Khi triển khai 3G, quảng cáo cũng như mơ, nhưng giờ thế nào? Gói cước cả tháng mất 70.000 đồng, lưu lượng cao được 700MB. Có dùng tiết kiệm, chỉ vào đọc báo, lướt facebook cũng chỉ được 3 - 4 ngày, thời gian còn lại thì tốc độ như “sên bò”. Hy vọng 4G sẽ đem lại những lợi ích thiết thực, chứ không gặp phải tình trạng như 3G trước đây”, anh Mạnh, một chủ thuê bao, bức xúc.
Các chuyên gia viễn thông nhận định, các nhà mạng tại Việt Nam đang chú trọng phát triển về “lượng” hơn về “chất”. Chiến lược này giúp nhà mạng phủ sóng rộng, lợi nhuận tăng lên. Nhưng rõ ràng, đây là chiến lược không bền vững. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 36 triệu thuê bao di động sử dụng 3G và sẽ tiếp tục gia tăng. Vì vậy, nhà mạng nào cải thiện tốt về “chất” sẽ lôi kéo được khách hàng.
“Nút thắt” chi phí
Theo ông Nguyễn Nam Long - Phó Giám đốc công ty Viễn thông liên tỉnh (VNPT-Net), các gói data 4G sẽ không có gì thay đổi so với 3G. Vì khi tốc độ nhanh hơn, người dùng sẽ sử dụng mạng, giải trí trực tuyến sẽ nhiều hơn, giúp lượng giữ liệu tăng lên. Theo tính toán, giá thành lưu lượng của 4G sẽ thấp hơn 3G, vì vậy, triển khai mạng 4G mang lại lợi ích cho cả người dùng và nhà mạng.
Tuy nhiên, vấn đề là để sử dụng 4G, đa phần người dùng phải thay mới điện thoại di động (ĐTDĐ). Vì theo thống kê, số lượng người dùng ĐTDĐ có hỗ trợ 4G tại Việt Nam rất ít. Thậm chí, ngay cả những người dùng ĐT cao cấp như iPhone cũng chưa thể dùng 4G, vì Việt Nam chưa được Apple mở kết nối.
Do đó, để sử dụng dịch 4G, người dùng sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để mua những dòng ĐTDĐ cao cấp. Khảo sát trên thị trường hiện tại cho thấy chi phí phải bỏ ra là từ 4 triệu trở lên, vì phân khúc ĐT có giá dưới 4 triệu đồng có hỗ trợ 4G có số lượng rất ít.
Trong bối cảnh 3G đang khiến nhiều người thất vọng, 4G nghiễm nhiên trở thành hy vọng. Nhưng, để những triển vọng trở thành thực tế, mang lại lợi ích thực sự thì còn rất nhiều việc phải làm. Các nhà mạng cần phát triển về “chất” thay vì “lượng” như hiện nay. Các nhà quản lý cần siết lại quy định để bảo vệ quyền lợi của người dùng. Còn người dân, sẽ phải bỏ ra khoản chi phí lớn hơn nếu muốn hưởng lợi ích từ 4G.
Hiến Nguyễn