Viettel đã thử nghiệm 4G tại Việt Nam với việc lắp đặt 200 trạm phát sóng bao phủ toàn bộ khu vực thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Điền
Theo ông Hùng, việc tắt 2G để giải phóng tần số 4G cũng là việc mà một số nước đã làm. Việc này nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa mạng viễn thông Việt Nam trong bối cảnh tài nguyên tần số đang rất cạn kiệt.
Về triển khai 4G, ông Hùng cho biết, theo tính toán, khi mật độ 3G đạt 35-40% thì có thể đầu tư 4G hiệu quả. Hiện nay, số thuê bao 3G tại Việt Nam đã chiếm trên 35% tổng số thuê bao toàn quốc.
Lãnh đạo Tập đoàn Viettel đề xuất Bộ cấp phép chính thức cho các nhà mạng triển khai 4G trong thời gian sớm nhất vào đầu năm 2016.
"Việt Nam, một nước đang phát triển nên đầu tư khi mật độ 4G trên thế giới đạt trên 10%, và máy đầu gối 4G dưới 100 USD. Nếu kéo dài, Việt Nam chúng ta sẽ lạc hậu", ông Hùng cho hay.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho rằng, 4G sẽ kết thúc thời kỳ ALO- là nguồn thu chính của nhà mạng, mở ra thời kỳ các ứng dụng của smartphone. 5G sẽ kết thúc thời kỳ doanh thu sinh ra từ kết nối con người, mở ra thời kỳ kết nối vạn vật.
Lãnh đạo nhà mạng này cũng cho biết, mục tiêu năm 2016, Viettel sẽ nghiên cứu sản xuất hạ tầng mạng viễn thông 4G đồng thời tự sản xuất thiết bị 4G để thực hiện hóa mạng viễn thông.
Đến thời điểm này, Bộ TTTT vẫn chưa chính thức cấp phép 4G. Vừa qua, Viettel đã thử nghiệm 4G tại Việt Nam với việc lắp đặt 200 trạm phát sóng bao phủ toàn bộ khu vực thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa và huyện Long Điền. Tốc độ 4G thử nghiệm hiện tại của Viettel đạt mức trung bình 40-80 Mbps, cao gấp 10 lần so với tốc độ 3G. Một số điểm đạt tốc độ 250 Mbps, gần chạm mức tốc độ lý thuyết của LTE-Advanced (tốc độ download 300 Mbps).
Trong khi đó, VNPT cũng đang tiến hành thử nghiệm 4G tại Phú Quốc và TP HCM. Tại các khu vực này, cơ sở hạ tầng đã được lắp đặt và đang hoàn thiện.
Sau khi Bộ cấp phép, nhà mạng còn mất thêm thời gian triển khai. Dự kiến, phải đến cuối 2016, các nhà mạng mới chính thức cung cấp dịch vụ 4G.
N.L