![]() |
Thái Lan "bội thu" từ đấu giá giấy phép 5G |
Nhà chức trách Thái Lan cho biết đã bán 48 giấy phép cho các nhà mạng. Trong đó, Advanced Info Service - nhà mạng hàng đầu Thái Lan trúng đậm với 23 giấy phép thuộc 3 phổ tần khác nhau.
Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là nhà mạng True Corporation và Total Access Communication Pcl với 17 giấy phép và 2 giấy phép. Theo đó, hai công ty quốc doanh CAT Telecom và TOT – dự kiến sẽ sáp nhập thành National Telecom (NT) – cũng tham gia phiên đấu giá và mua được tổng cộng 6 giấy phép.
Ở băng tần 700 MHz, CAT mua được 2 giấy phép, trong khi AIS của SingTel mua được 1, đánh bại True sau 20 vòng đấu giá kéo dài hơn 3 tiếng, số tiền thu về là 51,46 tỷ baht. Giấy phép cho 19 block 10-MHz ở băng tần 2600-MHz được phân chia giữa AIS và True, số tiền thu về là 37,43 tỷ baht.
Ở băng tần 26-GHz, DTAC - công ty thuộc sở hữu của Telenor (Nauy) giành được 2 giấy phép cho 100-MHz, trong khi AIS mua được 12 giấy phép, True mua 8 và TOT mua 4. Tổng giá trị thu được là 11,63 tỷ baht.
Theo đó, các công ty mua được giấy phép băng tần 700-MHz và 2600-MHz sẽ phải trả tiền cho chính phủ Thái Lan trong thời hạn 10 năm. Đối với băng tần còn lại, các hãng sẽ phải trả toàn bộ tiền trong 1 năm.
Đánh giá băng tần 5G mới, Ủy ban Viễn thông và Truyền hình quốc gia Thái Lan (NBTC) nhận định, mạng 5G sẽ giúp nền kinh tế số của nước này phát triển vững mạnh hơn với tốc độ có thể nhanh gấp 100 lần so với 4G. Điều đó sẽ giúp cho nền kinh tế Thái Lan tăng thêm ít nhất 177 tỷ baht trong năm 2020, bằng 1,02% GDP cả nước.
Trước đó, Thái Lan đã kỳ vọng sẽ đấu giá băng tần 5G thành công với con số thu về lên tới 64 tỷ Baht (tương đương 2,1 tỷ USD) từ 3 - 4 đối tác tham gia. Tuy nhiên, đợt đấu giá đã vượt ngoài mong đợi khi thu về 3,2 tỷ USD, với 5 đối tác tham gia.
K.H