Theo DealStreetAsia, Việt Nam hiện là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á với nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển. Các hãng công nghệ lớn hàng đầu thế giới đang đua nhau xây dựng trung tâm dữ liệu mới tại đây.
Gần đây nhất, tháng 5 vừa qua, Alibaba đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Alibaba hiện đang thuê không gian máy chủ - một phương thức gọi là “co-location”, từ các công ty viễn thông của Việt Nam là Viettel và VNPT.
Ngoài việc tiết kiệm chi phí, việc có trung tâm dữ liệu riêng sẽ giúp gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đảm bảo tính bảo mật dữ liệu cao hơn. Mặc dù thông tin chi tiết, bao gồm cả chi phí của kế hoạch chưa được công khai nhưng chi phí ước tính để xây dựng một trung tâm dữ liệu có thể vượt quá 1 tỷ USD.
Trước đó, Amazon Web Services (AWS) cũng từng tiết lộ kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu biên – một trung tâm dữ liệu nhỏ nằm gần rìa mạng, ở cả Hà Nội và TP HCM vào tháng 8/2022.
Các hãng viễn thông trong nước như Viettel IDC, NTT Global Data Centers, FTP Telecom, CMC Telecom, HTC Telecom International (ECDC), VNPT, VNTT hiện đang chiếm lĩnh thị trường. |
Trung tâm dữ liệu toàn cầu ST Telemedia (STT GDC) của Singapore, nơi cung cấp dịch vụ co-location trên toàn cầu, cũng đang hợp tác với VNG - tập đoàn kỳ lân công nghệ của Việt Nam, để phát triển, xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu tại TP. HCM. Liên doanh sẽ vận hành STT VNG Ho Chi Minh City 1 (trước đây gọi là Trung tâm dữ liệu VNG) tại Tân Thuận và thành lập cơ sở mới là STT VNG Ho Chi Minh City 2, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2026.
Theo Savills, Việt Nam có 33 trung tâm dữ liệu do 48 nhà cung cấp dịch vụ vận hành, với tổng công suất ước tính khoảng 80 MW tính đến quý I/2024. Các cụm trung tâm dữ liệu chính là ở Hà Nội và TP. HCM, với lần lượt 16 và 13 cơ sở dữ liệu hoạt động.
Thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam còn nhỏ so với các nước láng giềng Đông Nam Á như Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, Việt Nam có những lợi thế để trở thành một thị trường hấp dẫn như chi phí xây dựng hợp lý, vị trí địa lý chiến lược, sự chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, dân số trẻ am hiểu công nghệ và sự ra đời của công nghệ 5G.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, với công nghệ 5G tại Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các trung tâm dữ liệu biên và cung cấp kết nối chặng cuối nâng cao, cũng như giảm độ trễ dịch vụ.
Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đã tạo ra doanh thu 685 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 1,44 tỷ USD vào năm 2029 - tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,1%.
Sự phát triển của ngành trung tâm dữ liệu ở Việt Nam được đánh giá tương đồng với xu hướng chung tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi vẫn đang tiếp tục chứng tỏ sự tăng trưởng mạnh mẽ và không có dấu hiệu giảm tốc.
Đỗ Kiều