Không trực tiếp tham gia vào bất kỳ khâu nào của quá trình sản xuất, thay vào đó, Nokia chỉ nhượng quyền cho các đối tác Phần Lan và châu Á.
Hồi sinh một thương hiệu
Hôm 18/5, Nokia ra thông báo về việc công ty đã ký thỏa thuận độc quyền, cho phép HMD Global Oy, một công ty mới thành lập có trụ sở tại Phần Lan, được sử dụng bằng sáng chế và mẫu thiết kế của mình trong 10 năm.
Về phần sản xuất, Nokia ký hợp đồng với FIH Mobile, trực thuộc Foxconn Technology Group (Đài Loan) - đơn vị chuyên lắp ráp iPhone cho Apple. Điện thoại và máy tính bảng Nokia “thế hệ mới” sẽ chạy hệ điều hành Android.
Đây có thể coi là động thái đáng chú ý nhất của Nokia trong thời gian qua, trên con đường quay trở lại thị trường hàng tiêu dùng, với hy vọng tận dụng thương hiệu đã đứng vững như “nồi đồng cối đá” trong tâm trí khách hàng ở các nước đang phát triển, bắt đầu từ phân khúc giá rẻ và bình dân, rồi đến những dòng điện thoại thông minh và máy tính bảng cao cấp.
Theo lời Giám đốc nhượng quyền của Nokia, ông Ramzi Haidamus, châu Á, Mỹ Latinh và một số nước châu Âu vẫn rất “lưu luyến” thương hiệu điện thoại từng có thời hoàng kim gần một thập kỷ rưỡi “vô đối”, trước khi tuột dốc từ năm 2012, vì không kịp thích ứng với nhu cầu về thế hệ điện thoại thông minh với màn hình cảm ứng.
Trong khi nhiều chuyên gia nghi ngờ thương hiệu Nokia có thể làm nên điều kỳ diệu trên thị trường điện thoại di động đang bão hòa và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, thì ông Haidamus lại rất tin tưởng việc hợp tác với HMD và FIH sẽ sinh lời, bởi chỉ cần giành được miếng bánh nhỏ từ tay Apple, Samsung hay Huawei là đã kiếm được kha khá rồi.
Trong quý I/2016 vừa qua, ba công ty công nghệ kể trên thống trị thị trường smartphone với doanh số tổng cộng 334 triệu chiếc ở phân khúc cao cấp. Nếu ngay năm đầu tiên mà HMD bán được 10 triệu chiếc Nokia “2.0”, thì cũng có thể coi là thành công.
Trong dự án hợp tác mới này, Nokia sẽ cử đại diện tham gia hội đồng quản trị HMD, chủ yếu để giám sát quá trình triển khai. Nhiều người trong số cổ đông của HMD hiện nay đã từng giữ những vị trí lãnh đạo ở Nokia xưa kia.
![]() |
Nokia sẽ lại tỏa sáng
Vẽ lại ánh hào quang
HMD dự tính doanh thu từ lứa điện thoại giá rẻ sẽ là tiền đề cho khoản đầu tư 500 triệu USD vào chiến dịch marketing trên quy mô toàn cầu trong vòng ba năm tới, phục vụ mục tiêu chinh phục cả phân khúc cao cấp. Về phần mình, Nokia không tìm kiếm lợi ích tài chính nào khác từ HMD, ngoài phí bản quyền thương hiệu và tài sản trí tuệ.
Đối với người dân Phần Lan, thỏa thuận của Nokia với các đối tác có thể thắp lên hy vọng về sự hồi sinh phần nào của một niềm tự hào ở quốc gia Bắc Âu. Nokia chính là công ty Phần Lan đầu tiên có “vai vế” trên thế giới và là biểu tượng cho sự chuyển mình của đất nước trở thành một nền kinh tế công nghệ. Thời kỳ đỉnh cao năm 2000, Nokia đóng góp tới 4% GDP của Phần Lan.
Giờ đây, khi không làm điện thoại nữa, Nokia chỉ tập trung sản xuất các thiết bị không dây và Internet.
Ngoài Nokia, nhiều thương hiệu khác cũng rơi vào tình huống bị bán rồi mà vẫn được chủ sở hữu mới tiếp tục sử dụng, thay vì xóa sổ. Năm 2004, tập đoàn TCL Communication Technology (Trung Quốc) thâu tóm mảng điện thoại di động của Alcatel (Pháp), nhưng những chiếc điện thoại của hãng này sau đó vẫn mang thương hiệu Alcatel OneTouch. TV của Royal Philips Electronics (Hà Lan) xuất hiện bình thường trên thị trường, mà ít ai biết rằng nó đã đổi chủ sang TPV Technology (Hong Kong).
Trong một diễn biến khác liên quan, Microsoft đã quyết định bán lại mảng điện thoại bình dân từng mua của Nokia cho FIH với giá 350 triệu USD, trong đó bao gồm phần mềm và dịch vụ, mạng lưới chăm sóc khách hàng, hợp đồng cung cấp linh kiện và cả nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh.
Điều này một lần nữa cho thấy quyết định của cựu Tổng Giám đốc Microsoft, ông Steve Ballmer, về việc mua lại mảng phần cứng của Nokia thực sự là một sai lầm lớn. Kể từ thương vụ “đốt” tiền tỷ USD đó, Microsoft vẫn chưa tạo dựng được chỗ đứng đáng kể trên thị trường di động, trong khi phải oằn mình gánh thêm những khoản lỗ từ điện thoại Nokia.
Hải Châu