Như một “truyền thống” bất thành văn, Ấn Độ thường chậm trễ hơn các nước khác trong việc nắm bắt những công nghệ mới nhất của ngành viễn thông. Tuy nhiên, có vẻ như quốc gia Nam Á không còn muốn lại một lần nữa “bị bỏ lại phía sau”, khi công nghệ 5G tiến lên phía trước, nhất là trong bối cảnh các nước châu Á khác đang bước đi rất nhanh.
Tiềm năng cần đánh thức
Cụ thể, Ấn Độ sẽ theo chân Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (những nước sẽ cung cấp dịch vụ 5G trong vòng 2 năm tới) để sớm triển khai công nghệ 5G. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại New Delhi, Bộ trưởng Viễn thông Ấn Độ Aruna Sundararajan thừa nhận nước này vẫn chưa đạt được thành công như mong đợi trong việc triển khai mạng 5G, song quyết tâm sẽ sớm hoàn tất vào năm 2022.
Khi đó, những dịch vụ tốc độ cao sẽ giúp ích rất nhiều cho kế hoạch Digital India của Thủ tướng Narendra Modi, hướng tới một đất nước Ấn Độ thời đại số hóa với khả năng truy cập internet thông suốt, mượt mà.
Ông Sundararajan cũng nhấn mạnh việc phát triển 5G không nên chỉ trông chờ phía nhà cung cấp, mà còn cần sự cộng hưởng từ cả nhu cầu thị trường. Chính vì thế, lĩnh vực này cần sớm được “đánh thức” thì mới mong Ấn Độ bắt kịp các nước khác.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc Ấn Độ chậm chân hơn các nước khác một chút cũng có mặt tốt của nó. Ấn Độ có thể tranh thủ chờ đợi Trung Quốc “khởi động” trước để thúc đẩy tính phổ cập, tạo ra lợi thế kinh tế về quy mô và giới thiệu các thiết bị cầm tay sử dụng 5G với giá cả phải chăng.
Chính vì thế, nếu như Hàn Quốc ra mắt các dịch vụ 5G trước tháng 3/2019, Nhật Bản là cuối năm 2019 và Trung Quốc cùng với hầu hết các thành phố lớn của phương Tây là năm 2020, thì phương án 2022 hoặc thậm chí muộn hơn cũng vẫn phù hợp với Ấn Độ.
Thời điểm này, nhiều nước đã và đang đẩy nhanh quá trình chuẩn bị liên quan đến công nghệ 5G. Tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang vào tháng 2/2018, Hàn Quốc đã mạnh dạn thử nghiệm công nghệ 5G đối với các xe tự lái, trò chơi thực tế ảo và hệ thống phát hiện chuyển động để ngăn chặn lợn rừng đe dọa đến công tác tổ chức sự kiện. Sắp tới, nước này cũng lên kế hoạch đấu giá sóng vô tuyến để triển khai thương mại các dịch vụ không dây 5G.
Trong khi đó, các công ty Nhật Bản và Mỹ cũng rất khẩn trương. Italia thì đang chuẩn bị cho phiên đấu giá quang phổ sử dụng cho mạng 5G vào tháng 9, trong khi Anh đã bán băng thông có cấu phần phục vụ các dịch vụ này từ hồi tháng 4. Chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) thậm chí còn cân nhắc việc cung cấp sóng miễn phí.
![]() |
Ấn Độ không muốn “bị bỏ lại phía sau”, khi công nghệ 5G tiến lên phía trước |
Chạy đua cơ sở hạ tầng
Là một phần trong công tác chuẩn bị cho công nghệ 5G, Ấn Độ đặt mục tiêu mở rộng hệ thống trục cáp của mình từ 1,5 triệu km hiện tại lên 2,5 triệu km vào năm 2022. Hệ thống cáp dày đặc hơn sẽ tạo điều kiện cho các nhà khai thác tăng tốc dịch vụ 5G và hạn chế rủi ro xảy ra cuộc chiến giảm giá giành thị phần.
Mạng cáp quang mạnh hơn, dày hơn được đánh giá là nhu cầu hạ tầng rất cần thiết cả trước và sau quá trình triển khai chính thức các dịch vụ 5G.
Cho đến nay, đầu tư vào hạ tầng viễn thông vẫn phải xếp sau đầu tư vào hạ tầng hữu hình của Ấn Độ, do nước này còn phải ưu tiên nâng cấp, xây mới đường giao thông, bến cảng và sân bay.
Giới chức nước này cũng thừa nhận vì cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là cơ sở hạ tầng vô hình, nên mọi người không sẵn lòng rót tiền cũng như quảng bá nó và điều này cần phải sớm thay đổi.
Theo tính toán, công nghệ 5G có thể nhanh hơn 4G đến 100 lần, đạt tốc độ lên tới 10 gigabits mỗi giây. Nhờ đó, 5G có lợi thế về khả năng kết nối rộng lớn, tiêu thụ điện năng thấp, tốc độ tải xuống nhanh và là yếu tố quan trọng để vận hành được các phương tiện tự động, máy bay không người lái, hay ứng dụng trong phẫu thuật và điều khiển giao thông từ xa.
Hải Châu