Ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) bức xúc khi chia sẻ về ảnh hưởng của hậu quả 4/5 tuyến cáp quang gặp sự cố tại Hội thảo “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới” vừa diễn ra.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam bức xúc với mạng Internet chậm do sự cố đứt cáp quang. |
Ông Hưng đã chỉ ra nhiều rào cản mà kinh tế số Việt Nam đang gặp phải, trong đó có hạ tầng mạng.
Trong tháng đầu tiên của năm 2023, 2 tuyến cáp quang biển IA (còn gọi Liên Á) và APG gặp sự cố, ảnh hưởng đến lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Đây là 2 trong số 5 tuyến cáp quang biển đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Trước đó, cuối năm 2022, 2 tuyến cáp quang biển khác là AAG, AAE-1 cũng gặp sự cố và vẫn chưa khắc phục xong. Như vậy, 4/5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng Việt Nam khai thác đang cùng gặp sự cố, khiến việc kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế của nhiều thuê bao bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, để kinh tế số phát triển cần hạ tầng công nghệ thông tin, Internet phải tốt. Vậy mà có 5 đường cáp quốc tế thì 4 đường không kết nối được, "còn 1 đường kết nối được thuộc loại già cỗi nhất thế giới, nghe đâu năm 2024 thì đường này sẽ không còn hoạt động"!.
![]() |
4/5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng Việt Nam khai thác đang gặp sự cố. |
Việc kết nối Internet chậm đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là những người kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện “vẫn không thấy nhà mạng nào tính đến việc giảm phí”, ông Hưng bức xúc.
Thời gian qua, để khắc phục tình trạng mạng Internet chậm kết nối, các nhà mạng đã có nhiều giải pháp, như chia sẻ tải giữa các link quốc tế, làm việc với các dịch vụ như Facebook, TikTok, YouTube để tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bổ sung tài nguyên cáp đất... Tuy vậy, hiện các nhà mạng vẫn chưa đưa ra được con số thống kê cụ thể về mức độ ảnh hưởng của khách hàng, phương án đền bù thiệt hại cho người dùng...
Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), ở thời điểm nghiêm trọng nhất, sự cố cáp quang biển lần này khiến 75% dung lượng Internet Việt Nam đi quốc tế qua cáp quang biển bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối đi quốc tế.
Theo đại diện Bộ TT&TT, bắt đầu từ 11/2, các doanh nghiệp viễn thông cam kết sẽ đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế không bị nghẽn thông qua việc chia sẻ kết nối, cân tải dung lượng và tiếp tục mở thêm dung lượng qua tuyến cáp đất liền.
Theo báo cáo e-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek, và Bain Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD năm 2050, trong đó thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất.
Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hóa, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể (từ 30 – 40%) so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Thy Lê