Để hiện thực hóa định hướng này, ngày 16/8/2021 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) đã có công văn số 1796/TCGDNN-ĐTCQ nhằm hướng dẫn Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Khó tuyển sinh
Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, năm nay công tác tuyển sinh của trường chậm hơn mọi năm bởi việc xét tuyển vào đại học vẫn chưa xong. Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên học sinh ở nhiều tỉnh cũng không thể đi xin xác nhận hoặc ra bưu điện để gửi hồ sơ đăng ký học.
“Hiện số lượng tuyển sinh hệ vừa học vừa làm, cao đẳng của trường cần tuyển là hàng nghìn người nhưng hiện lượng đăng ký xét tuyển chỉ khoảng 1260, trong đó mới chỉ có khoảng 300 hồ sơ đã về đến trường”, bà Hương cho biết.
Cũng chia sẻ khó khăn về công tác tuyển sinh, Thạc sĩ Võ Công Trí, Phó giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn (BKC), cho biết đến nay, tình hình tuyển sinh tại trường mới đạt gần 50% so với kế hoạch đề ra năm 2021.
Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học, tuyển sinh của các nhà trường, cơ sở giáo dục. Năm 2021, ngành Giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh 2,5 triệu người. Thế nhưng, theo thống kê 6 tháng đầu năm, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên cả nước mới chỉ được 645.000 người, tức là mới chỉ đạt 27,2% kế hoạch.
Theo đánh giá của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, ông Trương Anh Dũng thì “công tác tuyển sinh của các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang gặp hàng loạt khó khăn do dịch bệnh kéo dài và diễn ra trên nhiều tỉnh thành trên cả nước”.
Tuyển sinh và đào tạo trực tuyến được đánh giá là phù hợp với thời điểm hiện nay. |
Theo đó, dịch Covid-19 kéo dài liên tục, kéo theo đó là việc thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều tỉnh thành không thể lưu thông với nhau, dẫn tới tình trạng phụ huynh, học sinh ở các tỉnh lân cận không thể tiếp cận được những thông tin cụ thể, chi tiết của nhà trường, cơ sở giáo dục.
Đồng thời, trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, các bậc phụ huynh cũng hết sức cân nhắc chỗ học tập cho con em của mình. Thông thường, hằng năm, các trường học, cơ sở giáo dục sẽ tổ chức rất nhiều chuyến đi tư vấn tuyển sinh ở các tỉnh, thành khác nhau, nhưng năm nay thì việc này phải dừng lại.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc tạm dừng đến trường cũng đồng nghĩa với việc các trường, các cơ sở giáo dục phải điều chỉnh chương trình học, cách thức đào tạo, tổ chức thi. Trong đó, các trường chủ yếu áp dụng hình thức đào tạo, thi online để bảo đảm phòng chống dịch cũng như duy trì hoạt động của nhà trường.
Tạm dừng đến trường, không dừng việc học
Ông Vũ Ngọc, Tổ trưởng Tổ Tuyên truyền - Thi đua, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ nằm ở Đông Anh (Hà Nội), cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh trực tuyến, xây dựng kịch bản cụ thể và lập đội ngũ tư vấn chuyên trách.
Theo ông Ngọc, việc nhà trường tổ chức tuyển sinh trực tuyến là cách làm quen thuộc nhưng có có những hạn chế nhất định. Việc này đòi hỏi đội ngũ cán bộ của trường phải có sự hiểu biết sâu rộng về nghiệp vụ và chuyên môn đa dạng, đặc biệt là kiến thức về sale, marketing. “Tuy nhiên, tuyển sinh bằng hình thực trực tuyến có thể thực hiện trên nhiều nền tảng khác nhau, thông tin hoạt động của nhà trường tiếp cận nhanh và đầy đủ tới cộng đồng, để từ đó phụ huynh và người học quan tâm có thêm cơ hội để chọn trường, chọn nghề”, ông Ngọc chia sẻ.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, công văn số 1796/TCGDNN-ĐTCQ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nêu rõ: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến; khai thác triệt để ứng dụng “Chọn nghề” trên thiết bị di động, trang thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (có địa chỉ tại http://tuyensinh.gdnn.gov.vn) ; các kênh phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương trong công tác thông tin, tư vấn và thực hiện tuyển sinh trực tuyến
Trên thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến; các kênh phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương trong công tác thông tin, tư vấn và thực hiện tuyển sinh cũng chính là định hướng mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Cục nghề nghiệp định hướng cho các trường trong thời điểm này.
“Đối với những địa phương, những vùng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cần tập trung cao độ cho việc tuyển sinh, thực hiện cả tuyển sinh trực tiếp, kết hợp đẩy mạnh hơn nữa tuyển sinh trực tuyến, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển sinh đã đặt ra”, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng Cục nghề nghiệp cho biết..
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trình độ trung cấp; tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng với người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cũng sẽ giúp các trường, cơ sở giáo dục thu hút người học.
Hiện, có nhiều bạn trẻ đã xác định rõ được năng lực và con đường nghề nghiệp của mình không hoàn toàn phụ thuộc vào việc học đại học nên theo ông Vũ Xuân Hùng, các trường cần tăng cường tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp trung học phổ thông; quan tâm việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo chương trình chất lượng cao theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; tuyển sinh liên kết đào tạo với nước ngoài cho đối tượng có nhu cầu.
Ngoài công tác tuyển sinh, nhiều trường, cơ sở giáo dục cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các ứng dụng dạy học trực tuyến theo các hướng dẫn trước đây của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và “Cẩm nang hướng dẫn đào tạo trực tuyến”; đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng bài giảng, tài liệu điện tử để đào tạo trực tuyến.
Tuy nhiên đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lý thuyết chỉ chiếm khoảng 30%, thực hành chiếm 70% nên theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường cần chủ động điều chỉnh kế hoạch đào tạo cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và quy định giãn cách xã hội của các địa phương, đảm bảo khai thác tối đa thời gian học sinh, sinh viên được tập trung học trực tiếp tại trường.
Trong điều kiện không thể tổ chức học tập trung, các trường có thể tổ chức giảng dạy nội dung lý thuyết của toàn bộ chương trình bằng hình thức trực tuyến, khi điều kiện cho phép người học quay lại trường chỉ tổ chức thực hành, thực tập kỹ năng.
Đối với các lớp/khóa học chuẩn bị ra trường, các trường xem xét phương án tổ chức học tập trung tại trường theo mô hình “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh;
"Đối với một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hoặc những ngành nghề, môn học, mô đun có nội dung phù hợp, hiệu trưởng các trường có thể cho phép thực hiện việc thi, kiểm tra theo hình thức trực tuyến gián tiếp (không tập trung tại trường) nhưng phải bảo đảm đánh giá được chính xác, khách quan kết quả học tập của người học và chống được gian lận trong quá trình thi, kiểm tra; diễn biến của buổi thi, kiểm tra trực tuyến được ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ theo quy định." công văn số 1796/TCGDNN-ĐTCQ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nêu rõ.
Huyền Trang