Bắt đầu từ năm 2017, 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước được quyền tự quyết về hình thức tuyển sinh. Thế nhưng, làm thế nào để lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh vẫn là bài toán không dễ giải đáp, khi các trường phải cạnh tranh gay gắt mà vẫn khó thu hút người học. Sự cạnh tranh không chỉ xảy ra giữa các trường nghề với nhau, mà còn với cả các trường đại học.
Mùa tuyển sinh năm nay dù các trường nghề đã linh hoạt vận dụng và sáng tạo để từng bước chiếm lĩnh các “sân chơi” nhằm thu hút học sinh như: ngày hội tư vấn tuyển sinh, các phiên giới thiệu việc làm, tuyển dụng học nghề... Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh đến thời điểm này vẫn chưa được như kỳ vọng...
Các trường nghề vẫn khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu
Năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh tuyển sinh được hơn 400 chỉ tiêu, trong đó có đến 350 chỉ tiêu đào tạo sinh viên y tế cộng đồng, điều dưỡng viên cho các tỉnh của nước bạn Lào và một số học sinh các tỉnh lân cận. Số học sinh tại tỉnh Hà Tĩnh tham gia học chỉ chiếm chưa đến 30 em.
Để thu hút học sinh, năm học này, nhà trường đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền để thu hút học sinh đăng ký học. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ nộp vào trường cũng chỉ được vài chục bộ.
Sinh viên Lào khoa điều dưỡng đa khoa trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh đang thực hành nghề chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. |
Thạc sĩ Nguyễn Văn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân tuyển sinh gặp khó khăn là do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trường, trong đó phải kể đến các trường đại học. Bên cạnh đó vấn đề giải quyết việc làm sau khi ra trường là quan trọng nhất, mặc dù nhà trường đã ý thức rõ ràng trong việc nâng cao chất lượng dạy học.
“Nhà trường đã ý thức rất rõ về việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng nhiều học sinh sau khi vào học đã có tâm lý xả hơi dẫn đến ít học nên chất lượng không cao, khó tiếp cận cơ hội việc làm, trong khi đó, nhu cầu về lao động y tế, điều dưỡng ở một số nước như Đức, Nhật rất lớn. Nếu tham gia học và chịu khó học để nâng cao chất lượng, đồng thời trau dồi ngoại ngữ thì việc xuất khẩu lao động sẽ đạt hiệu quả và thu nhập. Học sinh khóa trước ra trường, có việc làm và thu nhập ổn định chính là cách quảng bá tốt nhất để thu hút được học sinh khóa sau tiếp tục tham gia học nghề”, thầy Nguyễn Văn nhận định.
Sau 3 năm học tập tại trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vĩnh Phúc, khoa Công nghệ thông tin (2008-2010), em Trần Văn Nam đã khởi nghiệp thành công bằng việc mở cửa hàng kinh doanh thiết bị máy tính, máy văn phòng tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
“Nhìn nhận một cách thực tế thì học nghề là dành cho những người có học lực trung bình khá trở xuống, còn những người có học lực khá trở lên thì họ không lựa chọn học nghề mà học đại học hoặc du học nước ngoài”, em Trần Văn Nam nói.
Kết nối giữa Nhà trường - Doanh nghiệp chưa cao
Xác định được tầm quan trọng của lao động qua đào tạo, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đặt mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo của cả nước đạt khoảng 65-70%, trong đó có lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc tổ chức các cuộc thi, triển lãm về giáo dục nghề nghiệp sẽ từng bước giúp cho GDNN đáp ứng được yêu cầu của xã hôi, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ cao. |
Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết không cao, song đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế mới chỉ đạt 58,6%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ chỉ đạt 23,1%. Nghĩa là vẫn còn 76.9% người tham gia lực lượng lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Theo thống kê của Tổng cục GDNN, tính đến thời điểm này, cả nước hiện có 1.909 cơ sở GDNN, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp, 1.052 trung tâm GDNN. Mạng lưới các cơ sở GDNN rộng khắp cả nước đã tạo thuận lợi cho người học. Tuy nhiên, thực tế, số lượng người học nghề vẫn quá thấp so với nhu cầu của thị trường lao động.
Nhận định về vấn đề này, TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) cho biết, các trường nghề chưa thực sự năng động, tích cực trong việc đổi mới, tìm kiếm nguồn tuyển sinh cũng như chưa tạo được sức hút với người học.
“Nếu xã hội chờ mong trường nghề là vườn ươm lao động có tay nghề, kỹ năng cho doanh nghiệp và được doanh nghiệp quan tâm, đón nhận sau tốt nghiệp, thì xét về góc độ này, tính kết nối giữa trường nghề và doanh nghiệp chưa cao. GDNN hiện chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh. Các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế, hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tuyển sinh còn khó khăn”, TS. Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh.
Nhìn nhận từ góc độ khác, đánh giá từ phía Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, chất lượng đào tạo tuy có chuyển biến tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2019. Nhiều trường nghề đào tạo 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đạt thành tích cao tại các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trường nghề đông nhưng các trường và chương trình đạt chuẩn quốc tế còn thấp nên vẫn thiếu nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao.
Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên chưa đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học, sáng tạo, tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo nhóm... Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây công bố, Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao.
Theo đại diện Tổng cục GDNN, những nguyên nhân trên đã dẫn đến kết quả tuyển sinh 5 tháng đầu năm 2020 trên cả nước chỉ đạt khoảng đạt 844.900 người, bằng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, con số này chỉ đạt khoảng 21% so với kế hoạch tuyển sinh năm 2020. Đây là con số còn quá thấp và các trường cần phải nỗ lực hơn nữa để thu hút, lôi cuốn được người học.
Kỳ II: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống
Phạm Duy