Về ấp Tân Phú, xã Phú Tân, huyện Phú Tân thăm mô hình vèo (ươm dưỡng) tôm giống 2 giai đoạn của anh Nguyễn Văn Ril, mới thấy được tâm huyết của những người trẻ tuổi được đào tạo bài bản đối với việc xây dựng kinh tế ở đồng đất quê hương.
Dạy đúng nghề người dân cần
Anh Ril tâm sự: “Tôi tốt nghiệp đại học ngành nuôi trồng thuỷ sản, làm công tác khuyến ngư tại xã một thời gian rồi quyết định tự làm kinh tế”.
Với anh Ril, nếu không sống được ở quê hương mình thì đừng mơ mộng lập thân, lập nghiệp ở nơi khác. Anh quyết định đầu tư và hợp tác với 2 người bạn để thí điểm mô hình ươm vèo tôm giống để xuất bán cho bà con nông dân.
Mô hình vèo tôm giống để xuất bán cho bà con nông dân của anh Nguyễn Văn Ril |
Anh Ril ươm vèo trên 2 bể composite, mỗi bể 50 m2, vèo 200.000 tôm giống, sau 16-18 ngày thì xuất bán. Với giá bán 100 đồng/con giống như hiện tại, anh thu về lợi nhuận gần 10 triệu đồng/bể/lần xuất bán.
Theo anh Ril, lượng tôm giống xuất bán hiện không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của nông dân. Sắp tới, nhóm anh Ril quyết tâm mở rộng mô hình để có nguồn tôm giống chất lượng phục vụ sản xuất.
Thế mạnh trong lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp ở Cà Mau là điều kiện tốt để những ý tưởng, quyết tâm khởi nghiệp thành công dành cho lao động nông thôn được đào tạo nghề bài bản như trường hợp của anh Ril. Điển hình là ở Phú Tân - huyện ven biển phía tây của tỉnh Cà Mau - người dân vốn quen với nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản từ lâu.
Vì vậy, huyện Phú Tân tập trung thực hiện công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho lao động, chọn những ngành nghề nuôi trồng thủy sản để lao động có thể có việc làm ngay sau đào tạo. Chỉ tính riêng năm 2019, huyện đã tổ chức được 86 lớp dạy nghề, truyền nghề cho hơn 2.600 học viên tham gia, đạt 129% kế hoạch.
Hoặc như ở khu vực kinh tế hợp tác của tỉnh Cà Mau, việc đào tạo nghề nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn cũng ngày được chú trọng. Khu vực kinh tế hợp tác hiện có 141 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp với 2.733 thành viên, thu nhập bình quân 110 triệu đồng/thành viên/năm; chiếm số lượng nhiều nhất là trong lĩnh vực thủy sản với 83 HTX, trồng trọt với 30 HTX.
Điển hình như HTX Cái Bát ở xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, với 127 thành viên. HTX có 30 ha của 35 thành viên đạt tiêu chuẩn ASC của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản, 348 ha của 54 thành viên đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Được công ty thủy sản ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và được Sở NN&PTNT làm cầu nối với các công ty cung cấp vật tư đầu vào, từ đó giúp HTX phát triển ổn định hơn, hiệu quả trên từng đối tượng nuôi, các sản phẩm dịch vụ cũng được đẩy mạnh.
"Đổi đời" sau học nghề
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Giám đốc HTX Cái Bát cho biết, HTX có sự phát triển vững chắc là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền mở các lớp tập huấn, hội thảo cho các thành viên tiếp cận khoa học - kỹ thuật và đảm bảo môi trường sản xuất. Nhiều thành viên được đi tham quan học hỏi ở các tỉnh bạn và phát triển mô hình nuôi tôm sạch, chế biến chả cá phi, tôm chà bông…
Vào cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2010 - 2020.
Qua 10 năm thực hiện, Đề án đã đào tạo gần 371.000 lao động, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn gần 111.000 người. Số lao động sau khi học nghề xong có việc làm trên 82.000 người; số hộ đã thoát nghèo hơn 5.400 người; số hộ có thu nhập khá trở lên là trên 18.000 hộ; lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng là hơn 8.000 người…
Thế mạnh trong lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp là điều kiện tốt để Cà Mau phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tạo việc làm tại chỗ. |
Phần lớn lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh là lao động nông nghiệp, nên việc lựa chọn tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến các mặt hàng từ nông sản, phù hợp với phong tục tập quán lao động sản xuất của người lao động tại địa phương.
Các học viên sau khi được đào tạo nghề đã áp dụng kiến thức vào sản xuất, tiết kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng và chất lượng, giúp người lao động tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Cà Mau cũng đưa ra mục tiêu trong năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện đào tạo khoảng 28.000 lao động. Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 5.000 người; lao động nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới 2.500 người.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh sẽ tổ chức điều tra, khảo sát để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt là tập trung rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề, cũng như liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phục vụ cho công tác đào nghề cho lao động nông thôn.
Thanh Loan