Nhận thức rõ thực trạng này, những năm gần đây, Liên minh HTX Việt Nam đã chỉ đạo các trường trong hệ thống tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, điều hành các HTX. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có văn bản thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về đào tạo nghề Giám đốc HTX nông nghiệp theo khung trình độ sơ cấp trên toàn quốc. Đây thực sự là tín hiệu tích cực để các HTX nông nghiệp bứt phá vươn lên.
Còn đó những nốt trầm
Xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội là địa phương có hơn 1.700 nhân khẩu sinh sống ở 5 thôn. Người dân địa phương sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với diện tích gieo trồng là 304ha, trong đó diện tích cây lúa là 242 ha, cây màu là hơn 62ha và cây ăn quả là 117 ha. Đây cũng là địa phương có số lượng HTX xuống tới quy mô thôn với 5 HTX gồm: HTX thuốc bảo vệ thực vật Thanh Quang, HTX dịch vụ nông nghiệp Đào Nguyên, HTX dịch vụ nông nghiệp Ngự Câu, HTX dịch vụ nông nghiệp An Hạ và HTX dịch vụ nông nghiệp Lại Dụ.
Số lượng HTX nhiều, nhưng quy mô ở mức thôn, làng và chủ yếu làm các khâu dịch vụ như cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ bảo vệ, khuyến nông, giao thông nội đồng… nên hiệu quả hoạt động của các HTX còn ở mức thấp và chủ yếu là để duy trì hoạt động.
Ông Phạm Viết Tố, Giám đốc HTX Lại Dụ cho biết, HTX hiện có 236 thành viên với diện tích sản xuất là 40ha. Từ năm 2015 đến nay, toàn bộ diện tích đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như nhãn, bưởi, ổi… Sau khi cây trồng cho thu hoạch từ năm thứ hai trở đi, mỗi ha bình quân đạt 200- 300 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với cấy lúa. Thu nhập của thành viên được nâng cao, trong thôn có đến hơn 80% nhà cao tầng, 20% số hộ khá, giàu.
Ông Phạm Viết Tố, Giám đốc HTX Lại Dụ cho biết, cán bộ quản lý HTX có trình độ còn hạn chế, tuổi cao nên sẽ hạn chế và không năng động để nâng cao thu nhập, đưa HTX phát triển bèn vững.
|
Trao đổi với phóng viên Vnbusines, ông Tố thẳng thắn nhìn nhận, trình độ chuyên môn, sự năng động của cán bộ quản lý HTX hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.Hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đời sống, thu nhập của thành viên được nâng cao, nhưng nghịch lý là thu nhập của cán bộ quản lý HTX lại không tương xứng và chỉ dừng lại ở mức từ 400-600 nghìn đồng/người/tháng, trong đó Giám đốc HTX như ông Tố cũng chỉ đạt 620.000 đồng/tháng. Nguyên nhân thu nhập thấp là HTX hoạt động không nhiều mảng, ít có nguồn thu, chủ yếu mang tính chất phục vụ và hỗ trợ thành viên là chính.
“Chúng tôi giờ đã cao tuổi, lại là những người sản xuất nông nghiệp, trình độ hạn chế, tiếp cận khoa học kỹ thuật thấp, không năng động, thiếu mạnh dạn như người trẻ và không được đào tạo, tập huấn nên hiệu quả thấp là không tránh khỏi”, ông Tố nói.
Không chỉ có HTX Lại Dụ, mà HTX thuốc bảo vệ thực vật Thanh Quang cũng hoạt động cầm chừng, bởi HTX chỉ hoạt động chủ yếu là cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 200 thành viên trong thôn.
“Chúng tôi là những người nông dân không được đào tạo chuyên môn, không có bằng cấp. Vì ở quy mô thôn, dân số ít, dịch vụ gói gọn, tuổi cao nên tính năng động bị hạn chế nên hiệu quả không cao”, ông Lê Hoàng Học, Giám đốc HTX Thanh Quang thẳng thắn chia sẻ.
Cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, không chỉ có ở các HTX ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức chưa hoặc ít được đào tạo, tập huấn, mà phần lớn tỷ lệ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp ở nước ta hiện nay tỷ lệ cán bộ quản lý HTX được đào tạo bài bản rất thấp.
Ông Lê Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ (Liên minh HTX Việt Nam) cho rằng, cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo từ sơ cấp đến đại học đạt tỷ lệ 55%, trong đó trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 18% trong tổng số gần 16.200 HTX nông nghiệp hiện nay.
“Ngoại trừ chủ tịch HĐQT và Giám đốc các HTX trẻ, mới thành lập thì phần lớn cán bộ lãnh đạo HTX đều đã hết tuổi lao động. Do trình độ thấp, ít được đào tạo, tập huấn, độ tuổi cao nên đội ngũ này thiếu nhạy bén, khó tổ chức xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho HTX, khó nắm bắt kịp cơ chế thị trường…”, ông Tân nói.
Tín hiệu mừng khi nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc
Bày tỏ sự phấn khởi khi đã được tham gia lớp học do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức mới đây với sự dẫn dắt của các chuyên gia, giảng viên, ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết, HTX thành lập năm 2010 với 12 thành viên, số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 60 triệu đồng. HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.
Đào tạo cán bộ quản lý HTX là yếu tố cơ bản để nâng cao trình độ, năng suất, chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện nay. |
Vốn ít, hoạt động sản xuất của các thành viên HTX chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế thấp. Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn, đặc biệt thông qua lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã gợi mở cho HTX có thêm những hướng phát triển mới. Điển hình như việc lập phương án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Sau khi tham dự tập huấn, HTX đã áp dụng thực tế và xây dựng cho mình phương án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị cụ thể. Một mặt HTX chuyển đổi từ nuôi cá ở hồ sang nuôi cá lồng, mặt khác tìm mối liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.
“Khi đã có liên kết theo chuỗi, HTX yên tâm thực hiện khâu sản xuất, các khâu giống, thức ăn đầu vào hay tiêu thụ sản phẩm đã có doanh nghiệp, HTX khác lo. Yên tâm sản xuất, hiệu quả kinh tế ngày một rõ nét. Từ chỗ thu không đủ bù chi năm 2010, đến nay doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt gần 6 triệu đồng/người/ tháng”, ông Chức chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, năm nào đơn vị cũng dành một khoản kinh phí nhất định cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các HTX. Riêng giai đoạn từ 2021-2025, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành chương trình khung về bồi dưỡng cán bộ trong HĐQT, ban giám đốc, kế toán trưởng, cán bộ kiểm soát và cán bộ nghiệp vụ của HTX.
“Giai đoạn này dự kiến tổ chức 335 lớp bồi dưỡng với tổng số hơn 18.000 lượt học viên là cán bộ chủ chốt HTX; đào tạo hệ cao đẳng là 2.850 người; trung cấp là 2.350 người”, ông Thịnh nói.
Trở lại câu chuyện Bộ LĐ-TB&XH “bắt tay” với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), được biết, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNN sẽ ban hành chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề “Giám đốc HTX nông nghiệp” để các trường trực thuộc tham khảo xây dựng chương trình đào tạo nghề này. Trong đó, các nội dung về phê duyệt kế hoạch trung hạn, phân bổ chỉ tiêu, đơn vị đào tạo theo đề xuất của địa phương...
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước đã có gần 16.200 HTX nông nghiệp. Các HTX được thành lập dựa trên điều kiện và hoàn cảnh khác nhau song đều có một điểm chung là chức danh Giám đốc ít nhiều còn hạn chế về kỹ năng quản trị, tổ chức hoạt động. Hiện còn trên 24.000 người (chiếm hơn 47%) cán bộ quản lý HTX nông nghiệp chưa được đào tạo trong khi, nhân lực là yếu tố quyết định hoạt động của HTX.
Trên thực tế, trước yêu cầu mới của khu vực HTX, nhiều Giám đốc HTX đã chủ động tìm kiếm các lớp đào tạo kỹ năng với mong muốn năng cao năng lực, có những chiến lược đúng đắn, cụ thể cho HTX. Do đó, việc Bộ NN&PTNN xây dựng khung chương trình, giáo trình đảm bảo các điều kiện để tổ chức đào tạo nghề “Giám đốc HTX nông nghiệp” được cho sẽ giải quyết được một trong những điểm yếu quản trị của khu vực HTX hiện nay.
Dự kiến chương trình đào tạo có 3 mô đun, thời gian đào tạo 3 tháng (63 giờ lý thuyết và 240 giờ thực hành). Đây chính là những cơ hội, là điều kiện tốt để các HTX nông nghiệp trong cả nước có cơ hội học tập, nâng cao trình độ để từng bước đưa các HTX bứt phá vươn lên.
Phạm Duy