Chia sẻ với VnBusiness, chuyên gia kinh tế, GS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, tình hình lao động từ nay đến cuối năm sẽ tốt lên nhờ một số yếu tố như: số lượng doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu... Qua đó giúp giải quyết công ăn việc làm, thu hút người lao động vào sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn, điều này đồng nghĩa với thị trường lao động cũng sẽ ấm lên trong thời gian tới.
Đơn hàng xuất khẩu khởi sắc
Tình trạng suy giảm của nền kinh tế đã chạm đáy và có vẻ như sẽ bật lên vào những tháng cuối năm. Biểu hiện là một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, hồ tiêu… gần đây các đơn hàng đã quay trở lại.
Đại diện một số doanh nghiệp dệt may cho biết, đơn hàng dệt may đã cải thiện sau thời gian khá dài chững lại. Ngoài thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp cũng nhận được đơn hàng mới từ thị trường các nước Mỹ Latinh, Trung Quốc, Nhật Bản.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khởi sắc, các đơn hàng gia tăng nhu sử dụng lao động của các doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể. |
Ông Phạm Tùng Linh, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Đức Giang cho biết, từ quý III/2023, thị trường có dấu hiệu tích cực hơn, đặc biệt từ thị trường Hoa Kỳ và EU, đơn hàng đã quay trở lại. “Đức Giang đã có đơn hàng hết năm 2023, và đang tìm kiếm đơn hàng cho năm 2024. Doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ kết nối được Uniqlo, hệ thống AEON, Walmart”, ông Linh cho biết.
Với ngành thủy sản, thị trường xuất khẩu cũng bắt đầu khởi sắc hơn vào cuối năm 2023 và sang năm 2024. Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, mục tiêu xuất khẩu thủy sản 9 tỷ USD trong năm nay chắc chắn vẫn đạt được còn để đạt 10 tỷ USD thì cần nỗ lực khai thác thị trường hơn nữa.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện Hiệp hội đang đẩy mạnh xuất khẩu và mong muốn tham gia vào hệ thống bán lẻ của thị trường EU (Pháp, Bỉ…), Hoa Kỳ, Anh và các thị trường Đông Âu. Một số doanh nghiệp đã thâm nhập vào hệ thống bán lẻ, gia công sản phẩm cho nhiều nhà bán lẻ ở Australia và Mỹ.
“Nhiều nhà mua hàng đã sang khảo sát nhà máy, tin tưởng và đặt hàng. Hạt tiêu sạch, xanh, an toàn, sản phẩm gia vị của doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của EU, năng lực cung ứng có doanh nghiệp có thể xuất khẩu 1-2 container 40 feet gia vị mỗi tháng”, bà Liên cho hay.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khởi sắc, các đơn hàng gia tăng, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể. Nếu như tình trạng công nhân làm theo giờ hành chính là chuyện lạ trong suốt nửa đầu năm nay tại nhiều doanh nghiệp thì nay tình hình đã cải thiện. Thay vì cắt giảm lao động, các doanh nghiệp da giày, dệt may, đồ gỗ… đang tích cực đón người lao động trở lại làm việc.
Đơn cử, tại Công ty may 10, hơn một tháng nay công nhân đã có việc nhiều hơn, số lượng đơn hàng tăng lên đáng kể. Người lao động vui mừng khi được tăng ca trở lại.
Hai năm trước vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Hùng (Thanh Hoá) dời quê ra Hà Nội làm công nhân cho công ty may, nhưng đầu năm nay do thiếu đơn hàng công ty cắt giảm giờ làm, chỉ còn 3 ngày/tuần.
Theo anh Hùng, trước đây thu nhập tính cả tăng ca của hai vợ chồng anh gần 20 triệu đồng/tháng. Giờ không được tăng ca và bị cắt giờ làm nên tổng thu nhập sụt giảm còn đầy 10 triệu đồng/tháng trong khi bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Tuy nhiên, hơn 2 tháng nay, khi đơn hàng của công ty đã tăng trở lại, công nhân được tăng ca, vợ chồng anh thở phào, như trút được gánh nặng. “khoảng 2 tháng nay, gia đình anh đã không còn phải vất vả chi ly, cân nhắc thức ăn cho từng bữa mà đã đầy đủ hơn, có chút thịt, miếng cá và yên tâm lo cho 2 con đi học”, anh Hùng kể.
Nhu cầu tuyển dụng tăng
Theo các trung tâm dự báo nhân lực, hiện nay do kinh tế chưa hết khó khăn hoàn toàn nên các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ... đơn hàng về mới đủ cho lao động trong nhà máy, còn nhu cầu tuyển dụng mới rất ít. Trong khi các ngành sản xuất khác có nhu cầu tuyển thêm lao động cho những tháng cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm, khó tuyển dụng vẫn diễn ra.
Đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới ra tăng, hiện công ty TNHH Green Precision Components Việt Nam đang lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất và tuyển mới 500 lao động trong tháng sau và 1.000 lao động từ giờ tới cuối năm. Tuy nhiên, ông Wuzong Sheng, Tổng giám Công ty TNHH Green Precision Components Việt Nam cho biết: "Cái khó nhất trong hoạt động tuyển dụng là tuyển dụng lao động kỹ thuật. Vì lực lượng lao động kỹ thuật cần thời gian dài để đào tạo. Đặc biệt khu vực Bắc Ninh càng khó do rất nhiều công ty cần nguồn lao động kỹ thuật lớn".
Cũng đang gấp rút mở rộng nhà xưởng và lên kế hoạch tuyển hơn 300 kỹ sư, công nhân kỹ thuật và 3.500 lao động phổ thông, song Công ty TNHH sản xuất Biel Crystal Việt Nam lo lắng khó tuyển đủ số lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Về nhu cầu việc làm trong những tháng cuối năm, ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM dự báo, thị trường lao động TP.HCM sẽ có những chuyển biến, tăng số lượng tuyển dụng lẫn ứng tuyển khoảng 155.000 – 165.000 chỗ làm mới. “Lao động làm công ăn lương ở doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân sẽ là nơi thu hút nhiều nhân lực nhất. Trong đó các ngành được dự báo cần nhiều nhân lực là: kinh doanh thương mại, dịch vụ phục vụ, kế toán - kiểm toán, dịch vụ tư vấn, hành chính, văn phòng và các ngành nghề khác…", ông Triết cho hay.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo trong những tháng cuối năm 2023, thị trường lao động Hà Nội vẫn sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn, từ 120.000 – 140.000 vị trí việc làm mới. Còn ở Bắc Ninh dự báo từ nay đến cuối năm khi các công ty hoàn thành mở rộng nhà máy sẽ cần số lượng lao động rất lớn, cá biệt có công ty cần đến hơn 10.000 lao động.
Các chuyên gia dự báo, khi nhu cầu tuyển dụng lao động sôi động trở lại cơ hội tốt sẽ dành cho những ai có tay nghề cao. Ông Nguyễn Hồng Hải, phụ trách tuyển dụng thương hiệu Fe'Viet cho biết, yêu cầu của doanh nghiệp với người lao động cũng sẽ khắt khe hơn. Doanh nghiệp cần người lao động có khả năng đa nhiệm, phụ trách được nhiều mảng cùng lúc, kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả và quản lý thời gian trở nên quan trọng hơn.
Trong khi đó, bà Trần Thị Phương Thảo, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Công nghệ ZODINET, chia sẻ, để bắt nhịp tốt với thị trường tuyển dụng những tháng cuối năm người lao động trẻ cần làm là tăng lợi thế cạnh tranh của bản thân, đa dạng hóa kỹ năng, bổ sung thêm các chứng chỉ nghề chuyên biệt, tập trung phát triển tiếng Anh nhằm đáp ứng nhu cầu với các doanh nghiệp nước ngoài.
Thanh Hoa