Các chương trình đào tạo ở Long Trị A đang được triển khai theo hướng gắn với nhu cầu thực tế, dựa trên các vùng nguyên liệu thế mạnh tại địa phương để người lao động sau khi học nghề có thể áp dụng hiệu quả vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Đổi mới tư duy sản xuất
Sở hữu vườn cây ăn quả rộng hơn 2 ha, ông Lê Văn Rô, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Long Trị A cho biết, trước đây, khi chưa tham gia lớp dạy nghề trồng trọt, để tưới nước cho vườn cây, 3 nhân lực của gia đình phải mất gần 2 ngày kéo ống và mô tơ đi bơm từng liếp (luống).
Tổ chức dạy nghề dựa trên vùng nguyên liệu thế mạnh để nguời dân ứng dụng ngay vào thực tế (Ảnh TL). |
Năm 2017, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng cây ăn trái, được Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ triển khai mô hình hệ thống tưới tiết kiệm, tưới phân hữu cơ trên cây trồng hướng đến công nghệ 4.0, việc sản xuất của gia đình ông Rô trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Ông Rô cho hay, với hệ thống tưới nước phun sương tự động, chỉ cần 30 phút là đã hoàn thành tưới 2ha vườn.
“Được tham gia các khóa đào tạo nghề là cơ hội để chúng tôi thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Việc này không chỉ giúp chúng tôi có thời gian để làm những công việc khác, mà còn tiết kiệm được 3/4 chi phí sản xuất”, ông Rô phấn khởi nói.
Đến nay, mô hình trồng cây ăn quả với các loại cây chủ lực như măng cụt, đu đủ, chuối… đang mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Rô. Ông cũng trở thành tấm gương sản xuất giỏi của xã sau khi học nghề.
Tương tự, mô hình trồng nấm theo hướng hàng hóa cũng đang cho thấy những kết quả đáng ghi nhận ở Long Trị A. Nhờ được tổ chức tập huấn, người dân trong xã đã áp dụng sản xuất VietGAP cho giá trị cao gấp 2 - 3 lần sản xuất lúa theo phương thức cũ.
Ông Nguyễn Văn Nam, thành viên Tổ hợp tác trồng nấm xã Long Trị A cho biết, vào cuối năm 2019, sau khi tham gia lớp tập huấn của địa phương, ông đầu tư xây dựng khu sản xuất nấm rơm rộng hơn 3.000 m2, đến nay đã cho thu hoạch 6 vụ.
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có sự đồng hành của cán bộ nông nghiệp xã, mô hình của ông Nam đang cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 - 5 lao động.
Tạo chuyển biến ở vùng sâu
Có thể thấy, việc chú trọng đào tạo, tập huấn các nghề nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu đã mang lại hiệu quả canh tác cho nông dân trên địa bàn xã Long Trị A.
Hiệu quả công tác dạy nghề đang góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn địa phương (Ảnh TL). |
Đặc biệt, có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật, như: mô hình nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót, mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa, mô hình trồng rau trong nhà lưới, mô hình trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu… giúp người dân tăng lợi nhuận.
Các mô hình dạy nghề điển hình có tỷ lệ tạo việc làm cao đã và đang được duy trì có hiệu quả ở Long Trị A như trồng nấm rơm trong nhà, nuôi lươn, nuôi gà theo hướng an toàn thực phẩm.
Sau khi học nghề, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất, liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX. Sản phẩm sau khi thu hoạch có chất lượng tốt, sản lượng thu hoạch cao, lao động tham gia sản xuất có thu nhập ổn định.
Theo đánh giá, sau khi được đào tạo nghề, các lao động ở Long Trị A có việc làm chiếm hơn 80%. Trong đó, các nghề phi nông nghiệp được giải quyết việc làm tại chỗ sau khi được đào tạo nhiều nhất là đan lát lục bình và các nghề may, kỹ thuật xây dựng đều được giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp.
Thành công trong công tác đào tạo nghề là một trong những nhân tố chính để Long Trị A trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hậu Giang. Sau khi hoàn thành chuẩn nông thôn mới vào năm 2016, đến năm 2020, Long Trị A tiếp tục là một trong 3 xã được tỉnh chọn làm “điểm” xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Bằng những nỗ lực, quyết tâm, kinh tế - xã hội trên địa bàn Long Trị A liên tục có nhiều khởi sắc. Hiện nay, xã có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như mô hình VAC, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, mô hình trồng rau an toàn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm của xã cũng giảm xuống còn khoảng 2%.
Thời gian tới, xã Long Trị A sẽ tiếp tục đẩy mạnh dạy nghề dựa trên các vùng nguyên liệu thế mạnh, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, xã chú trọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả.
Nhật Minh