Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn cả về phía người học lẫn tổ chức lớp học, nhưng đến nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Ninh Thuận đã đạt được những kết quả khả quan.
Cập nhật kiến thức
Những năm gần đây, ở Ninh Hải xuất hiện những mô hình sản xuất hiệu quả khi xây dựng được nông sản tiêu biểu cho địa phương lại giúp nhiều người có việc làm, thu nhập. Tiêu biểu là HTX sản xuất táo Mỹ Khánh. HTX ra đời không chỉ là kết quả sau quá trình học nghề, mà còn là sinh kế, là niềm tin, của những người nông thôn đã có những lúc rất mơ hồ về tương lai của chính mình.
Nhờ đào tạo nghề, nhiều HTX đã ra đời và hoạt động hiệu quả |
Ông Nguyễn Phế, Giám đốc HTX, từng trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng thu nhập không ổn định. Cuộc sống của ông bắt đầu sang trang khi được địa phương vận động tham gia lớp học nghề về sản xuất nông nghiệp-trồng táo sạch. Kết thúc khóa học, được sự hỗ trợ của gia đình, sự đồng lòng của những người dân địa phương, HTX ra đời.
Ông Phế chia sẻ: “Làm nông thì luôn vất vả nhưng được đào tạo, có kiến thức thì sẽ tự tin hơn. Mình có được cái nghề để trải nghiệm, để hi vọng, để vững niềm tin rồi từng bước ổn định cuộc sống”.
Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, các thành viên HTX ngày càng có ý thức hơn trong quy trình chăm sóc cho ra sản phẩm táo sạch, cao hơn nữa là những trái táo đạt tiêu chuẩn VietGAP có chất lượng, giá trị kinh tế cao gấp 4-5 lần.
Việc tham gia lớp đào tạo nghề trồng táo sạch đã giúp các thành viên HTX cập nhật nhiều kiến thức mới, bổ ích như: cách bón phân tiết kiệm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật trong sản xuất táo an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức sản xuất truyền thống. Với những kiến thức được học, các thành viên đã ứng dụng thành công vào diện tích táo của mình.
Mô hình sản xuất của HTX Mỹ Khách là ví dụ điển hình nhờ hiệu quả của công tác tác đào tạo nghề. Bên cạnh đó, còn nhiều mô hình sản xuất hiệu nhờ đào tạo nghề như mô hình sản xuất rau an toàn ở xã An Hải và Phước Hải; mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo tại các địa phương; mô hình “1 phải, 5 giảm”…
Chủ động đào tạo nghề
Theo thống kê của ngành LĐTB&XH, toàn tỉnh có 111.294 hộ làm nông, lâm nghiệp và thủy sản; trong đó khu vực nông thôn có hơn 97.198 hộ/362.945 khẩu, với trên 126.600 lao động nông nghiệp.
Năm 2019, tỉnh Ninh Thuận đề ra kế hoạch đào tạo nghề cho 2.600 lao động nông thôn với kinh phí đào tạo dự kiến trên 5,8 tỷ đồng. Tự tin với kế hoạch này với mong muốn 90% số người tham gia đào tạo có được việc làm, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua của tỉnh đã có những định hướng để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung về công tác dạy nghề theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ trong cán bộ, hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, các ban, ngành liên quan thực hiện lồng ghép các chương trình hỗ trợ lao động nông thôn phát triển sản xuất gắn với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề thí điểm có hiệu quả. Tỉnh xây dựng kế hoạch mở lớp và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng tái cấu trúc ngành nông nghiệp, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Các lớp chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được Ninh Thuận chú trọng |
Với chủ trương phát triển đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, đối với nghề nông nghiệp, tỉnh tập trung đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây chủ lực như: lúa, nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam; chăn nuôi dê, bò, cừu vỗ béo; chế biến các mặt hàng nông sản, hải sản.
Đối với nghề phi nông nghiệp, tỉnh tập trung đào tạo các nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, các làng nghề, làm gia công theo sản phẩm; đồng thời, mở hướng đào tạo cho các lao động chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp như: lái xe, may công nghiệp; hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; thuyền trưởng, máy trưởng.
Bên cạnh đó, để việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu người lao động hơn, các huyện còn rà soát thiết kế lớp học phù hợp với ngành nghề người dân đang lựa chọn mưu sinh. Bà con tham gia được cấp chứng chỉ nghề nghiệp để phục vụ tốt hơn cho công việc hiện tại.
Nhờ đó, năm 2018, tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 2.700 lao động nông thôn, hầu như các học viên sau khi học đều có việc làm, biết ứng dụng kỹ năng đã học vào thực tiễn sản xuất.
Như Yến