Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, hàng năm huyện Đại Từ đều tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động trên địa bàn để mở các lớp dạy nghề cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu của người học và các đơn tuyển dụng lao động như HTX, doanh nghiệp…
Điểm tựa cho nông dân
Với đặc thù là huyện thuần nông, trên 80% lao động nông thôn ở Đại Từ đang làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Vì vậy, huyện đang dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ triển khai các chương trình đào tạo nghề, trang bị kiến thức cho người nông dân trên địa bàn.
Nông dân Đại Từ được dạy nghề đúng hướng, tự tin sản xuất (Ảnh TL). |
Theo đó, trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức, phối hợp tổ chức trên 250 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung chủ yếu vào các nghề như trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản chè, kỹ thuật trồng rau an toàn, nuôi ong lấy mật, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi…
Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, người dân đã bước đầu thay đổi tư duy, từng bước đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tự tin chuyển đổi sản xuất, khởi nghiệp làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Năm 2017, ông Nguyễn Văn Thường, xã Tân Linh đã đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y của địa phương để phục vụ việc phát triển kinh tế của gia đình.
Ông Thường cho hay, trước khi học nghề, gia đình ông nuôi khoảng 40 - 50 con lợn thịt/lứa, nhưng vì thiếu kiến thức nên đàn lợn phát triển chậm, lại hay mắc dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp.
Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, ông không chỉ được cập nhật kiến thức về chăn nuôi thú y mà còn được kết nối với các đơn vị cung ứng thuốc thú y, con giống, thức ăn... Hiện nay, gia đình ông đang nuôi trên 200 con lợn thịt và 50 con lợn nái/lứa. Bình quân mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng
Bên cạnh các chương trình đào tạo nghề của cơ quan chức năng, các địa phương trong huyện đã chủ động phối hợp với các HTX, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho lao động tại chỗ.
Điển hình như tại xã Bình Thuận, HTX Thanh Bình đang có đóng góp tích cực trong công tác đào tạo nghề trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản chè, góp phần nâng cao giá trị của loại cây trồng mũi nhọn của địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Cụ thể, kể từ khi thành lập đến nay, HTX đã tổ chức tập huấn cho hơn 100 hộ nông dân trồng chè trong và ngoài xã. Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn, chuyển giao các công nghệ mới vào sản xuất, HTX còn hỗ trợ thành viên về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại thảo mộc có lợi cho môi trường sinh thái…
Đa dạng các ngành nghề
Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo các nghề nông nghiệp, huyện Đại Từ còn mở thêm nhiều ngành nghề phi nông nghiệp như sửa chữa máy móc, may mặc, điện tử, điện lạnh, tin học văn phòng, hàn điện… tạo ra cơ hội việc làm cho hàng nghìn người.
Đại Từ đang chú trọng đào tạo cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp (Ảnh TL). |
Điển hình, vào năm 2016, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Nguyễn Thị Linh, xóm Đại Quyết, xã Tiên Hội quyết định đăng ký theo học lớp đào tạo nghề may sơ cấp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở tại xã.
Tham gia lớp học, chị Linh và gần 40 học viên khác đều được miễn 100% học phí và hỗ trợ tiền ăn (30 nghìn đồng/người/ngày). Sau 3 tháng đào tạo, những học viên đủ điều kiện được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề may và được giới thiệu vào làm việc ngay tại Công ty TNG - chi nhánh Đại Từ.
Chị Linh cho biết, trong thời gian học nghề, chị được đào tạo, hướng dẫn tỉ mỉ theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” nên chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã nắm bắt được những kỹ năng cơ bản của nghề may. Đến nay, chị đã vào làm ở công ty được hơn 4 năm, mức lương 7,5 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Đại Từ đang có được những kết quả tích cực. Kể từ năm 2016 đến nay, huyện đã thực hiện đào tạo nghề cho trên 8.800 học viên, trong đó số học viên được đào tạo các nghề phi nông nghiệp chiếm đến 84%.
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19, nhưng địa phương đã thực hiện đào tạo nghề được cho khoảng 300 lao động, toàn huyện có trên 1.500 lao động tìm được việc làm mới.
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Từ khẳng định, trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng của các HTX, nhà máy, cơ sở sản xuất ngày càng cao thì việc chuyển dịch cơ cấu lao động là tất yếu, nhất là khi huyện đang đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí trở thành thị xã.
Dự báo đến năm 2025, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện sẽ đạt gần 50%. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình, khảo sát nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng nhằm xây dựng phương án đào tạo đảm bảo đúng người, đúng nghề và phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Lệ Chi