Bà Kiên Thị Mộng Thể, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Tú cho biết, riêng hồi tháng 7 vừa qua, Trung tâm phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức khai giảng được 14 lớp đào tạo nghề nông nghiệp có tổng số 162 lao động theo học.
Dạy nghề dựa theo nhu cầu
Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở được 18 lớp đào tạo nghề, với tổng số hơn 200 học viên, đạt trên 50% kế hoạch; bao gồm 1 lớp phi nông nghiệp (may công nghiệp) và 17 lớp nông nghiệp như trồng nấm rơm, lúa cao sản, nuôi gà - heo - bò theo hướng hữu cơ.
Qua các lớp học này, Trung tâm đã chuyển tải kỹ thuật trong việc trồng trọt, chăn nuôi cho các học viên để ứng dụng vào thực tế trong quá trình sản xuất phát triển kinh tế tại địa phương.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Mỹ Tú tăng từ 17,32% vào năm 2015 lên 44,98% vào năm 2019 (Ảnh: TL) |
Mặt khác, các học viên sau khi học nghề tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân địa phương cùng thực hiện nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Ông Trần Phươl, ấp Sóc Xoài, xã Phú Mỹ từng được tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi bò do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Tú tổ chức vài năm trước, cho biết: “Những kiến thức được học đã giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng dịch cho đàn bò. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trước. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ chăn nuôi bò, cao hơn gần gấp đôi so với chăn nuôi tự phát, không có kỹ thuật như trước kia".
Ngoài ông Phươl, nhiều bà con trên địa bàn huyện Mỹ Tú đã tham gia các lớp học nghề về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó có việc làm và tăng thu nhập.
Như ở xã Thuận Hưng, từ năm 2019 đến nay, dựa theo nhu cầu của bà con trong xã, UBND xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện tổ chức 8 lớp học nghề về nuôi bò sữa, trồng lúa, đan hàng thủ công mỹ nghệ cho hơn 80 lao động nông thôn. Qua các lớp học, bà con trong xã đã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nâng cao tay nghề.
Nhờ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Mỹ Tú tăng qua từng năm. Nếu như năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện là 17,32% thì đến năm 2019 đã đạt 44,98%.
Chịu khó học nghề căn cơ
Ông Trần Văn Việt, Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú cho biết, trong năm 2020 sẽ giải quyết việc làm mới cho 2.200 lao động và dạy nghề cho 2.200 người. Trong năm 2019, huyện đã đào tạo nghề cho 2.526 lao động, đạt 114,81% kế hoạch.
Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống cũng được gìn giữ và truyền nghề cho các lao động trẻ. Như ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, các lao động trẻ hầu như không có điều kiện học đến nơi đến chốn nên chủ yếu sống bằng nghề truyền thống là đan đát.
Nhờ học nghề chăn nuôi đã giúp người dân huyện Mỹ Tú nâng cao thu nhập (ảnh:TL) |
Chị Trần Thị Thạch, một người dân ấp Phước Quới, chia sẻ nhờ chịu khó học nghề căn cơ và chăm chỉ làm nghề mà đã giúp cho chị có công ăn việc làm, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
“Vừa rồi có lớp học đan lộc bình, tôi có đi học 15 ngày. Qua lớp học, tôi có thể làm được nhưng giờ chưa có sản phẩm. Nghe ông giám đốc HTX nói từ từ rồi sẽ đưa sản phẩm về nhà làm…”, chị cho biết.
Tuy chưa khá giả, nhưng nghề đã giúp chị Thạch sinh sống và nuôi con khôn lớn. Nghề đã gắn bó và có tác dụng thiết thực trong cuộc sống của chị, nên chị mong nghề này sẽ còn mãi.
Ngoài ra, huyện Mỹ Tú cũng chú trọng phát triển HTX và chú trọng đào tạo nghề trong lĩnh vực kinh tế này. Trên địa bàn huyện hiện có 14 HTX và 75 tổ hợp tác, trong đó có một số mô hình hợp tác đang tham gia vào dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững.
Đơn cử như mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ở xã Mỹ Hương và xã Long Hưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân nơi đây.
Hoặc như các HTX Nông sản Mỹ Hương và HTX Mỹ Đức đã giúp các thành viên tham gia học hỏi các kỹ thuật sản xuất tiên tiến mới nhằm thay thế dần tập quán sản xuất truyền thống.
Điều này giúp các thành viên HTX hưởng nhiều lợi ích thiết thực, đầu ra của sản phẩm sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu, giúp đời sống các thành viên được nâng lên.
Thanh Loan