Tình trạng này xuất hiện đỉnh điểm nhất vào các dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết hoặc một số chuyến bay vào giờ đẹp trong ngày.
Cụ thể, những khách khi mua vé bay giờ chót sẽ đăng ký sổ chờ ở quầy vé để được nhân viên sắp xếp chỗ, nhưng chắc chắn là có thể phải chờ rất lâu, vì chỉ khi có ghế trống nhân viên hàng không mới bố trí vé. Do vậy, nếu số lượng khách đăng ký đông, sẽ có "cò" hoặc nhân viên của hãng hàng không gạ gẫm hành khách chi thêm tiền nếu muốn bay ngay chuyến kế tiếp mà không mất thời gian phải đợi.
Trăm sự nhờ "cò"
Sở dĩ xuất hiện tình trạng trên vì theo quy định, các hãng thường cho khách đặt chỗ vượt quá số ghế trên máy bay (overbook) với tỷ lệ cao nhất khoảng 20%, tùy từng chuyến. Điều này có nghĩa đến giờ khởi hành, những khách không có mặt (noshow) không làm ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của hãng, đồng thời tạo cơ hội bay cho nhiều người hơn bằng cách các hãng bán vé giờ chót cho những hành khách muốn bay.
Đây là những người không thể mua được vé từ trước, phải ra thẳng sân bay để mua vé giờ chót trên những chuyến bay còn chỗ trống. Những khách này có thể bị nhân viên hàng không bắt bí, chèn ép hoặc phải chi thêm tiền mới được xếp chỗ. Do chính sách bán vé của các hãng giá rẻ là vé không hoàn, không hủy nên không bán overbook, hiện nay chỉ còn Vietnam Airlines (VNA) thực hiện.
Bên cạnh đó, một số đại lý bán vé giờ chót có hiện tượng lừa đảo, bán xong lại hoàn vé, khi lên sân bay khách mới biết chỗ bị hủy. Đây thường là các đại lý cấp 3, không được các hãng hàng không chỉ định. Khi bán vé, các đại lý có quyền thu phí dịch vụ song vẫn có đại lý lấy giá dịch vụ quá cao.
![]() |
Bắt chẹt hành khách, tranh thủ để kiếm tiền bán vé cho người cần ngay là không được
Trước thực trạng trên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh, cũng thừa nhận trong thời gian qua, Cục Hàng không chưa đặt nhiệm vụ giám sát việc này đúng mức nên để xảy ra tình trạng khách hàng bị bắt chẹt. Trong khi hiện tại, các hãng hàng không chưa có chính sách công khai số chỗ còn trống của mỗi chuyến bay tại màn hình đặt ở quầy vé giờ chót để khách biết và triệt tiêu cơ hội là "cò" móc túi khách hàng của nhân viên hàng không.
Theo ông Thanh, vé máy bay có giá trị trong thời gian dài do hành khách đặt chỗ mà không đi nên chuyến bay vẫn còn chỗ trống. Trong trường hợp này, hành khách khác có thể mua vé giờ chót tại nhà ga ở sân bay. Thời gian qua, đã có nhân viên bán vé giờ chót chèn ép khách để mưu lợi cá nhân.
Siết chặt chính sách Overbook
Do vậy, theo Cục Hàng không, bên cạnh sự siết chặt quản lý, thời gian tới, các hãng hàng không phải kiểm soát chặt việc áp dụng chính sách overbook, tăng cường giám sát nội bộ trong việc bán vé giờ chót tại sân bay, đồng thời phải chịu trách nhiệm trực tiếp với hành khách trong trường hợp đại lý của hãng có hành vi lừa đảo.
Đồng thời, trong cuộc họp nóng giải quyết những vấn đề bức xúc của vận tải hàng không vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng cho biết bản thân Bộ trưởng thời gian qua đã nhận được nhiều phản ánh của hành khách rằng phải mua vé giờ chót giá rất cao, có hiện tượng bắt chẹt bởi họ cần đi ngay. Ngoài ra, có tình trạng khi mua vé, hãng hàng không đã báo hết, song khi lên máy bay thì có nhiều ghế trống.
Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn chứng, mới đây, Bộ trưởng đã phải trực tiếp can thiệp việc mua vé đi Quảng Bình vì hãng bảo hết chỗ, nhưng khi lên máy bay vẫn còn 12 ghế trống. Như vậy là các hãng bắt chẹt hành khách, tranh thủ để kiếm tiền bán vé cho người cần ngay là không được.
Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các hãng hàng không phải công khai, minh bạch toàn bộ số chỗ còn trống trên máy bay qua màn hình để hành khách được biết. Nhân viên bán vé sẽ không thể gian lận, bắt chẹt hành khách mua vé giờ chót. Bên cạnh đó, các cảng vụ hàng không phải tăng cường giám sát, kiểm tra đột xuất đối với hoạt động bán vé giờ chót tại các sân bay. Có như vậy mới chấm dứt nạn "cò" vé đang hoành hành tại sân bay hiện nay.
Lê Thúy