Vấn đề thị trường "được mùa mất giá" vẫn là muôn thuở của người nông dân với nông sản nói chung và với người trồng vải nói riêng. Không chỉ khó khăn vì bị "ép giá", người trồng vải còn phải chịu thiệt vì nạn "ép cân" và đủ những chiêu trò của thương lái.
Thiệt thòi "bủa vây" người trồng vải
Về với Lục Ngạn thời điểm này, khi vải chín rộ, vải thiều chính thức vào vụ mới thấy được khó khăn của người trồng vải không chỉ chuyện "được mùa mất giá", mà còn rất nhiều khó khăn khác.
Thiệt thòi dễ thấy nhất là "quy định" lùi cân, trừ cân của các điểm cân vải. Theo quy định này, ngoài việc nhặt vải, mỗi sọt vải sẽ bị trừ từ 5 - 10 kg, sau đó tiếp tục bị lùi 10 kg. Tính ra, cuối cùng mỗi sọt vải người dân chịu thiệt có thể lên đến 20 - 30 kg.
Anh Hoàng Văn Giang - một người bán vải tại điểm cân ngã ba Kép, Hồng Giang, Lục Ngạn bức xúc: "Một sọt vải chúng tôi mất ít nhất là 20kg. Sọt vải của tôi vừa rồi được tạ rưỡi, nhưng sau khi nhặt, rồi trừ đầu, trừ đuôi, lùi cân thì còn được tạ hai. Vải xấu nhặt ra là chuyện đương nhiên, nhưng đằng này vải không xấu nhưng họ vẫn vặt ra rồi sau đó xin vải rụng. Ai cũng phải chịu thế, cũng tức lắm nhưng là lệ chung rồi, phải chịu thôi".
![]() |
Đầu ra ổn định cho vải thiều vẫn còn nhiều chuyện phải làm
Nói về việc thương lái "ép cân" nông dân, ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn, cho hay: "Đây là quy định chung của thương lái, đặc biệt là những điểm thu mua của Trung Quốc. Quy định này dựa trên thỏa thuận của người mua và người bán, vì vậy chính quyền cũng chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể bắt buộc thương lái được. Vì bắt buộc họ, họ không mua nữa bỏ đi thì người dân còn khổ hơn".
Ngoài nạn "ép cân", những "mánh khóe" của thương lái cũng khiến người trồng vải chịu thiệt. Điển hình nhất là thuật "biến hình" những chiếc cân. Người dân cho biết đây được gọi là "cân lắc", nghĩa là chỉ cần lắc nhẹ là có thể điều khiển chiếc cân tăng hoặc lùi 10 - 20 kg. Đáng nói là những chiếc cân này được làm ngày càng tinh vi, khiến cho nhiều người dù đã cảnh giác nhưng vẫn không thoát.
Ai bảo vệ nông dân?
Một thực tế với người trồng vải hiện tại là dù đang có những tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Pháp… Nhưng hiện tại, thị trường chủ yếu và quan trọng nhất vẫn là thị trường Trung Quốc và trong nước.
Sự ảnh hưởng của thương lái Trung Quốc thể hiện rõ nhất trong vài ngày qua, vì thương lái Trung Quốc nghỉ khiến giá vải thiều đi xuống. Theo người trồng vải, lý do thương lái Trung Quốc vắng bóng là vì họ "về quê ăn Tết diệt sâu bọ".
Thực tế này cho thấy những "tín hiệu lạc quan" cho người trồng vải vẫn đang ở "thì tương lai" và còn rất nhiều khó khăn mà người trồng vải phải vượt qua. Vì vậy, hiện tại người trồng vải vẫn cần sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước và Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất.
Nói về những thiệt thòi mà người nông dân phải chịu, ông Chu Văn Báo cho hay: "Vải thiều đang được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Chính quyền huyện và các lực lượng chức năng đã liên tục tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo lợi ích cho dân".
Ông Báo cũng cho biết, vì địa bàn rộng, điểm cân vải tự phát rất nhiều, lực lượng an ninh lại có hạn, chính vì vậy việc tuần tra, kiểm soát chỉ có thể tương đối. Vì vậy, chính bản thân người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và cần báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện ra sai phạm để được bảo vệ quyền lợi.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều thương lái, nhà buôn cho rằng chính người trồng vải cũng gây cho họ nhiều thiệt hại. Chị Thanh, chủ một điểm thu mua vải ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) cho hay: "Chúng tôi sợ nhất là những ngày trời mưa. Vì trời mưa, vải ướt, người dân lợi dụng điều này để nhúng thuốc nước để lấy mã. Chúng tôi mua về đến chiều thì vải khô đi, bắt đầu thâm lại và thối nhũn phải vứt đi hoàn toàn".
Còn ông Báo khuyến cáo: "Để quyền lợi của mình được bảo đảm, chính những người dân cũng phải nâng cao ý thức trong sản xuất. Chỉ khi nào cơ quan chức năng có chính sách hợp lý, doanh nghiệp, thương lái vì lợi ích của người dân và người dân không còn vụ lợi thì thị trường vải thiều nói riêng và thị trường nông sản nói chung mới có thể chuyện nghiệp và ổn định được".
Văn Hiến