Lạc Thủy là huyện miền núi thấp, trong đó đất nông nghiệp chiếm 2/3 diện tích đất tự nhiên; 86% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, 80% dân số có thu nhập chính từ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản. Chính vì vậy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng giúp huyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
HTX là chất xúc tác
Để người dân thích ứng với nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa hóa, huyện chú trọng đào tạo nghề gắn với hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó là đào tạo nghề gắn với hỗ trợ vay vốn và thành lập mô hình liên kết sản xuất như HTX, tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo kỹ thuật nghề nông.
Đối với những thôn, xã đã hình thành được các mô hình liên kết với sự dẫn dắt của THT, HTX, huyện sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế của các mô hình để mở các lớp đào tạo nghề phù hợp như: sản xuất cây ăn quả an toàn, nuôi ong hàng hóa, chăn nuôi gà an toàn sinh học, kế toán HTX, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi… Đồng thời chú trọng hỗ trợ, định hướng cho các THT, HTX xúc tiến thương mại, liên kết với đơn vị thu mua…
HTX sản xuất gà Lạc Thủy trở thành điểm học tập, trao đổi kinh nghiệm chăm nuôi của nhiều nông dân. |
Sau khi tham dự các lớp đào tạo nghề, hầu hết các học viên đều tìm được việc làm, một số đã mạnh dạn đầu tư, tự tin phát triển sản xuất cho bản thân và gia đình, HTX. Nhiều HTX sau khi vận dụng thành công các kiến thức đã học còn mạnh dạn cùng địa phương tổ chức lớp đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật.
Ông Vũ Tiến Sỹ, Giám đốc HTX sản xuất gà Lạc Thủy (xã An Bình) cho biết, ngoài sản xuất, HTX còn là đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm chuỗi liên kết gà Lạc Thủy. Hàng năm, HTX cùng UBND xã An Bình tổ chức các lớp dạy nghề nuôi gà cho 30 lao động nông thôn. Người học được nâng cao nhận thức, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới về chọn giống gà, nắm vững quy trình chăn nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho gà qua từng giai đoạn.
Hiện, mỗi thành viên, hộ liên kết với HTX đều là những tuyên truyền viên hướng dẫn, định hướng người dân mở rộng sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng "nông dân dạy nông dân".
Từ hiệu quả của mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Sỹ mong muốn các cấp ngành sẽ tiếp tục mở lớp dạy nghề cho bà con trong xã để mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng năng suất chất lượng, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Các HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, HTX Minh Đức, HTX nông trại xanh Gfarm Việt Nam, HTX Nam Sơn, HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Tiến… cũng là những điển hình sản xuất kinh doanh hiệu quả nhờ tham gia, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các HTX hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Thay đổi tư duy sản xuất
Để nâng cao hiệu quả cho công tác đào tạo nghề, mỗi năm, huyện lạc Thủy định hướng triển khai thực hiện 10-12 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các xã, các HTX sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn dựa trên kế hoạch được giao và nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn.
Thực tế hiện nay, phần lớn lao động nông thôn tại huyện Lạc Thủy trong độ tuổi lao động thường đi làm ăn xa hoặc đi làm cho các công ty ở trong và ngoài tỉnh, nên việc tổ chức các lớp đào tạo nghề luôn gặp khó khăn. Bởi vậy, bên cạnh việc gửi thông báo đến từng xã, huyện còn phối hợp với chính quyền các địa phương, HTX tích cực tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới tận thôn bản; bám sát các nghề mà người dân mỗi địa phương cần để xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo nghề cho phù hợp.
Đào tạo nghề là cách tạo việc làm hiệu quả cho thanh niên, lao động nông thôn. |
Điểm nổi bật sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề là người dân đã thay đổi tư duy sản xuất. Ông Vũ Tiến Sỹ, Giám đốc HTX sản xuất gà Lạc Thủy chia sẻ, hiện tất cả các thành viên trong HTX đều cam kết nuôi gà đúng theo quy trình VietGAP đã được học, được tập huấn nên sản phẩm của HTX luôn được khách hàng tin dùng.
Hiện, HTX đang hoàn thiện bao bì, tem mác theo đúng tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm OCOP; phấn đấu để sản phẩm gà tươi của HTX trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Qua các đợt kiểm tra, nghiệm thu tại cơ sở, các ngành chức năng đều đánh giá cao các lớp đào tạo nghề tại huyện Lạc Thủy đảm bảo tiến độ, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Với những thành công đã đạt được, lãnh đạo huyện Lạc Thủy xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Như Yến