Từ lâu, một số DN chân chính sản xuất khăn giấy ướt trên thị trường bức xúc, vì có vô số khăn giấy ướt được làm giả nhãn hiệu hàng đang bán rất chạy của họ. Hàng giả bày bán nhan nhản trên vỉa hè của nhiều con đường ở Tp.HCM. Lượng lớn hàng giả này còn luồn lách về khắp các tỉnh Nam bộ. Một kế hoạch tìm kiếm, theo dõi những kẻ có hành vi sản xuất hàng giả như trên đã được các cơ quan chức năng Tp.HCM thực hiện từ nhiều tháng qua.
"Ma trận" tinh vi
Trên thực tế, có một "ma trận" phân phối hàng giả hết sức tinh vi đang tồn tại lâu nay chưa đụng đến được... Cụ thể: Trên bao bì loại khăn ướt giả nhãn hiệu B.Care, hiện bán nhan nhản trên thị trường, có dán tem phụ mờ nhạt ghi địa chỉ "70 Trần Quang Quá, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Tp.HCM". Tại địa chỉ trên là Công ty TNHH sản xuất - thương mại MNK.
Trong tháng 1 và tháng 2/2015, tại một số địa phương khác như Trà Vinh, Đồng Tháp… cũng phát hiện rất nhiều sản phẩm khăn ướt nhái, giả nhãn hiệu B.Care và T.Care của Công ty Việt Úc (Bình Dương)…
Khó kiểm soát về nguồn gốc khăn lạnh
Ngày 4/3/2015, nguồn tin trinh sát cho biết đã phát hiện công ty MNK bỏ mối các mặt hàng bàn chải đánh răng, kem dưỡng da, kem đánh răng dùng trong khách sạn… Công ty này cũng bán kèm các loại khăn giấy ướt giả nhiều nhãn hiệu như "B.Care", "Baby Kaga", "Delight B.Care", "T.Care"… Được biết MNK đang phân phối hàng cho Công ty TNHH Mỹ Nguyên (720/32 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, Tp.HCM).
Hàng ngày, các nhân viên nhận hàng giả từ MNK và tỏa đi bỏ mối khắp nơi. Trong đó, số lượng lớn khăn giấy ướt giả được họ bỏ mối tại chợ bán sỉ Bình Tây (đường Chu Văn An, quận 6, Tp.HCM). Từ đây, khăn ướt giả tỏa đi khắp các tỉnh - thành (chủ yếu là các tỉnh Nam bộ). Điều tra cho thấy MNK là công ty "con" của Công ty Mỹ Nguyên - chuyên sản xuất bàn chải đánh răng - với xưởng sản xuất tại ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Cũng giống như giấy ăn, giấy vệ sinh, chiếc khăn lạnh thơm phức vẫn thường xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng cũng được "ra mắt" từ một quy trình siêu bẩn.
Tái sinh khăn lạnh
Khác với giấy ăn, giấy vệ sinh sau khi dùng xong sẽ được vứt bỏ để tái chế, hầu hết khăn lạnh sau khi được con người sử dụng sẽ dùng để lau tất cả những thứ dơ bẩn cuối cùng sẽ được thu gom lại. Để tiết kiệm chi phí đầu vào, không ít quán ăn, nhà hàng sẽ cho nhân viên đun nóng để làm sạch lớp mỡ bẩn từ thức ăn, sau đó tiếp tục ngâm với dung dịch được pha từ nước lã với javen tẩy trắng giặt bằng nước rửa chén và ngâm với hương liệu tạo mùi để tái sử dụng.
Một số quán ăn, nhà hàng khác sẽ gom tất các khăn ăn bẩn đã qua sử dụng lại rồi thuê các đại lý "tái sinh… khăn lạnh… bẩn"; quy trình cũng được bắt đầu từ khâu khử trùng bằng ngâm hóa chất tẩy trắng lẫn các hóa chất giúp khăn không bị thối, hôi, ẩm mốc khi để lâu, cuối cùng công đoạn tẩm hương liệu để tạo mùi hương.
Bà Nguyễn Thu Trang, Trung tâm Y tế quận Đống Đa (Hà Nội), nhận định việc sử dụng giấy ăn, giấy vệ sinh, khăn lạnh không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt dùng cho trẻ em rất nguy hiểm cho sức khỏe. Thực tế các loại giấy ăn, khăn lạnh kể trên là môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh ngoài da sinh sôi phát triển. Hiện nay, các hóa chất công nghiệp được sử dụng để sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh rất dễ tìm mua nhưng khó kiểm soát về nguồn gốc.
Theo quy định các hóa chất này sử dụng quá liều lượng, nồng độ cho phép hầu hết đều gây kích ứng cho da, gây dị ứng… Dùng giấy vệ sinh thay giấy ăn trong thời gian dài có thể gây hại sức khỏe, giấy vệ sinh chất lượng kém còn có nhiều bụi giấy, có thể xâm nhập gây ra những kích thích ở đường hô hấp.
Nhiều chuyên gia đã từng phản ứng về việc sử dụng độc chất Formol - chất dạng hơi hòa tan trong nước nhằm chống lại các vi khuẩn xâm nhập - để tẩy khăn bởi người sử dụng có thể bị ngộ độc khi lau miệng, lau mặt sẽ hít phải những sản phẩm được "tẩm ướp" nhiều Formol".
Các chuyên gia trong ngành giấy nhận định, cách làm giấy hiện nay khiến giấy thành phẩm còn lẫn nhiều tạp chất, vi khuẩn, trong đó có các hóa chất gây hại. Khi sản xuất, các chất thơm và phenol có trong quá trình sản xuất giấy bị clo hóa, tạo ra chất policlobiphenyl rất độc hại với sức khỏe của con người.
Lê Minh