Không chỉ góp phần giữ gìn và phát triển nghề dệt truyền thống, HTX Vọng Ngàn đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và nông dân, thể hiện vai trò tích cực trong quá trình xây dựng kinh tế, xã hội, giảm tỷ lệ đói nghèo trên địa bàn.
Nâng chất nguồn nhân lực
Với mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa, nét đẹp của đồng bào dân tộc trên từng tấm vải, hơn một thập kỷ qua, các thành viên HTX dệt thổ cẩm Vọng Ngàn đã miệt mài trên những khung cửi, đem theo ước mơ khôi phục nghề truyền thống.
HTX đang là điểm sáng trong dạy nghề, tạo việc làm tại địa phương. |
Bà Bùi Thị Lan Phượng, đại diện HTX Vọng Ngàn nhớ lại, nghề dệt thổ cẩm của người Mường đã có từ thời xa xưa. Tuy nhiên, kể từ sau những năm 2000, khi những sản phẩm dệt may công nghiệp dần phổ biến, nghề dệt thủ công đối mặt với nguy cơ bị mai một.
Với mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống, năm 2008, HTX Vọng Ngàn được thành lập và đi vào hoạt động với 13 thành viên, gồm những tay dệt lành nghề. Sau gần 12 năm, HTX đã phát triển lên hơn 100 thành viên, trải rộng trên địa bàn các xã Mãn Đức, Thanh Hối, Quy Hậu, Đông Lai… với hàng trăm khung dệt.
Để nâng cao sức hút, cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm dệt công nghiệp, HTX Vọng Ngàn đã chủ động đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho thành viên.
"Bên cạnh vận dụng và phát huy tối đa những nguồn lực hỗ trợ, mỗi thành viên HTX đều nỗ lực, cố gắng để nâng cao tay nghề. Không chỉ dệt các sản phẩm theo văn hóa dân tộc Mường, HTX còn liên tục sáng tạo, cải tiến mẫu mã, kết hợp chất liệu mới để sản phẩm thêm bền, đẹp, đa dạng", bà Bùi Thị Lan Phượng nhấn mạnh.
Đến nay, HTX đã phối hợp với cơ quan quản lý để mở hàng chục lớp dạy nghề cho các thành viên và người lao động. Việc chú trọng nâng cao tay nghề đã góp phần thay đổi được nhận thức cho các các hộ thành viên.
Gia tăng thu nhập
Mang lại hiệu quả thiết thực cùng tôn chỉ hoạt động rõ ràng giúp HTX Vọng Ngàn có được sự tin tưởng tuyệt đối của thành viên, đồng thời nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng hỗ trợ, mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Sản phẩm của HTX có mẫu mã đa dạng, hấp dẫn khách hàng. |
Không chỉ gây tiếng vang, tạo việc làm cho lao động địa tại địa phương, HTX đã phát triển thêm hàng chục khung dệt tại các xã Kim Sơn (huyện Kim Bôi), Tân Phong (huyện Cao Phong),… góp phần xóa đói - giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội.
Nếu trước đây, các hộ làm nghề chỉ sản xuất nhỏ lẻ, bán tại các chợ phiên, thì nay đã mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm để tiêu thụ tại các thị trường lớn hơn. Cụ thể, các sản phẩm của HTX hiện có mặt tại các gian hàng khu du lịch Khoang Xanh Suối Tiên, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, thị trường Hà Nội và các vùng lân cận.
Nhờ mở rộng thị trường, thu nhập của thành viên và hộ liên kết của HTX liên tục được nâng lên. Hiện, thu nhập bình quân của các hộ thành viên và người lao động chính thức của HTX dao động ở mức 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của người lao động theo mùa vụ dao động ở mức 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng.
Theo đại diện HTX Vọng Ngàn, hiện mỗi tháng, HTX xuất hơn 1.200 sản phẩm các loại, gồm túi xách, khăn, ví, mũ... với hoa văn thổ cẩm bắt mắt, được làm hoàn toàn thủ công, nhiều sản phẩm độc đáo, màu sắc hiện đại được khách hàng gần xa ưa chuộng. Đặc biệt, sản phẩm thổ cẩm của HTX cũng đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.
Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, thị trường được mở rộng, nguồn thu nhập của các thành viên HTX sẽ tiếp tục được cải thiện. HTX đặt mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân của thành viên lên 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng trong 3 năm tới.
Để hoàn thành mục tiêu trở thành điểm tựa xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho thành viên, trong thời gian tới, HTX Vọng Ngàn dự kiến tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các hoạt động du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài nước.
"Để các sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX vươn xa hơn nữa tới những thị trường lớn, HTX mong muốn các cấp chính quyền có thêm chính sách hỗ trợ, đầu tư về cơ sở vật chất, tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm để các sản phẩm dệt thổ cẩm ngày càng có chỗ đứng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc", bà Bùi Thị Lan Phượng chia sẻ.
Nhật Minh