Tính đến nay, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng xây lắp (chưa bao gồm phần thiết bị) gồm toàn bộ các trụ và dầm cầu trên cao; kết cấu và kiến trúc của 12 nhà ga; tổng mặt bằng và kết cấu chính của 15/16 đơn thể kiến trúc trong khu Depot; đường ray tuyến chính, tuyến nhánh và trong khu Depot kết nối đến các phân khu chỉnh bị, sửa chữa, lập tàu; tường chống ồn và chống thấm mặt cầu.
Hiện, dự án đang hoàn thiện nốt 5% khối lượng cuối cùng, tập trung lắp đặt thiết bị, thang máy, thang cuốn kết hợp với hoàn thiện thi công xây dựng cơ bản. Để đảm bảo được kế hoạch đóng điện toàn dự án trong tháng 5/2018, Ban Quản lý dự án đường sắt đã yêu cầu tổng thầu tập trung nhân lực vật lực, lập kế hoạch chi tiết để thi công các hạng mục còn lại một cách khoa học nhất.
Đồng thời, tăng cường thi công liên tục 3 ca, tập trung các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đóng điện để hoàn thành trước, nhằm đảm bảo tiến độ đã cam kết, đảm bảo dự án vận hành thử nghiệm vào tháng 10/2018 và khai thác thương mại vào tháng 12/2018.
Về công tác mua sắm, lắp đặt thiết bị, công tác nhập khẩu vật tư, thiết bị đang được tổng thầu tiếp tục thực hiện, tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường đạt khoảng 90%. Công tác thi công lắp đặt thiết bị đang được tổng thầu triển khai đạt khoảng 76%.
Chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông |
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ của dự án này là do công tác giải ngân chậm liên quan đến thủ tục vay vốn bổ sung hơn 250 triệu USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Tuy nhiên, tới đây, Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu sẽ ngồi lại rà soát lại các hạng mục, những hạng mục đã thanh toán, hạng mục chưa thanh toán. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng sẽ chỉ đạo các bên liên quan, làm hồ sơ cho tạm ứng, có thể giải ngân tạm ứng 70% - 80% vì thiết bị đã được lắp đặt xong, để giúp nhà thầu có nguồn lực triển khai các hạng mục còn lại.
Một khó khăn nữa là việc kết nối điện, hiện nguồn điện ở trong công trình chỉ đủ vận hành thi công. Nếu vận hành đồng bộ thì nhu cầu điện rất lớn, do có sự khác biệt giữa điện lực Việt Nam và tổng thầu dự án. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ làm việc với điện lực, Bộ Công Thương, UBND TP Hà Nội để sớm kết nối điện phục vụ cho việc vận hành tuyến.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư gần 553 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016 được điều chỉnh tổng mức đầu tư là hơn 868 triệu USD (tăng 315 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD.
Dự án có 13 đoàn tàu, do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo. Mỗi đoàn tàu có 4 toa xe với tổng chiều dài 79m, trong đó toa đầu dài 20m, toa giữa dài 19,5m. Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu là 80km/giờ, tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35km/giờ, với sức chở khoảng 960 người, tối đa 1.326 người.
Dự kiến khi đi vào khai thác, ở giai đoạn đầu, tần suất chạy tàu 5-6 phút/chuyến, sau nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách mỗi hướng đi.
Vũ Trọng