Có thể khẳng định, chưa bao giờ những ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn cho nền kinh tế như dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử… lại khó khăn như lúc này.
Làn sóng “cắt giảm” hàng loạt
Thiếu vắng đơn hàng xuất khẩu, những nhà máy, phân xưởng không còn sáng đèn liên tục, phải cắt giảm giờ làm. Đã có những doanh nghiệp quy mô hàng chục nghìn lao động phải cho số lượng lớn công nhân nghỉ việc.
Các ngành dệt may, da giày, gỗ và lâm sản có tỷ lệ lao động mất việc khá cao (Ảnh minh họa) |
Thực trạng này đã được phản ánh qua những con số nêu trong báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH: số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp, trong đó 27,4% là doanh nghiệp FDI, 72,18% là doanh nghiệp ngoài nhà nước, 0,39% là doanh nghiệp nhà nước.
Vùng Đông Nam Bộ - “thủ phủ” của các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu cung ứng cho toàn cầu, là nơi có số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động nhiều nhất, chiếm đến 66,75%; vùng Đồng bằng sông Hồng: 12,4%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: 7,75%; còn lại rải rác ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.
Trong 5 tháng đầu năm, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp), trong đó số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng).
Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP.HCM (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người).
Số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng). Ngoài ra, có hơn 17.000 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng).
Nhóm lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) bị thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%. Đáng chú ý, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).
“Doanh nghiệp thiếu đơn hàng là do kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân… Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho nhiều không xuất được, không có đơn hàng mới”, Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ.
Đơn hàng giảm, tín hiệu thị trường vẫn chưa rõ ràng, đơn cử doanh nghiệp có nhiều lao động nhất TP.HCM là Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, 100% vốn FDI, với hơn 50.000 công nhân, có động thái sẽ tiếp tục giảm gần 6.000 lao động sau lần cắt giảm hơn 2.300 người hồi tháng 2/2023.
Những tín hiệu đang cho thấy một cuộc khủng hoảng về mất cân bằng nguồn lao động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực sản xuất và kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam trong những quý đầu năm nay.
Cần chính sách cả trước mắt và lâu dài
Hệ lụy từ suy giảm đơn hàng của các ngành xuất khẩu lớn đã khiến kim ngạch xuất khẩu toàn nền kinh tế 5 tháng đầu năm giảm 11,6%, tương đương giảm gần 18 tỷ USD so với cùng kỳ, với 6/7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD tăng trưởng âm. Hầu hết doanh nghiệp thuộc các ngành dệt may, da giày đã phải giảm mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Với người lao động, cắt giảm công việc, mất việc đồng nghĩa với muôn vàn khó khăn không chỉ với riêng họ mà cả gia đình.
Theo các chuyên gia, đây chính là lúc, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động cần được tiếp sức, cần được “trợ thở” thông qua các chính sách hỗ trợ thiết thực.
Điển hình như ngành lâm sản – ngành đóng góp trên 17 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm ngoái, cũng “ngấm đòn” lạm phát, thiếu vắng đơn hàng. Trong 5 tháng qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mới đạt trên 5 tỷ USD, bằng 71,3% so cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đề xuất Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng Chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023. Có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản được lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi trong năm 2023.
Kiến nghị của các doanh nghiệp khác cũng tương tự của doanh nghiệp ngành gỗ.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, không riêng Việt Nam, mà thị trường lao động của các nước trên thế giới cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Dẫn Báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Bộ này cho hay, năm 2023, hầu hết các quốc gia không thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, việc làm toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% năm 2022.
Ở trong nước, dù xuất khẩu tháng 5 đã hồi phục nhẹ so với tháng trước đó, nhưng khó khăn vẫn bao trùm, dấu hiệu cầu thị trường khởi sắc vẫn chưa rõ ràng. Thậm chí, các doanh nghiệp dệt may, thủy sản dự báo khó khăn về đơn hàng xuất khẩu còn kéo dài đến giữa quý III, đồng nghĩa doanh nghiệp, người lao động tiếp tục đối mặt với hàng loạt trở ngại, tìm kiếm việc làm mới cũng chưa có cửa sáng.
Trước tình trạng số lao động bị ảnh hưởng bởi mất việc, giãn việc gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất chính sách trước mắt và lâu dài để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng.
Thanh Uyên