Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy cứ vào tháng 7, tăng hay không tăng lương tối thiểu tiếp tục gây nhiều tranh cãi giữa người SDLĐ và NLĐ.
Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa họp phiên thứ nhất về phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2019. Đại diện cho NLĐ – ông Vũ Quang Thọ – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – LĐLĐ), cho biết tình hình kinh tế đang có nhiều khởi sắc, tăng trưởng cao, số lượng DN mới nhiều hơn số lượng DN phá sản. Đây là tín hiệu cho thấy nên tăng lương tối thiểu vùng.
Tăng không dưới 8%
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất, mức tăng lương tối thiểu không thể dưới 8%. Đây là mức đã được tính toán, cộng phần trăm vượt giá, tăng năng suất lao động, chênh lệch giữa mức lương tối thiểu và nhu cầu cầu sống tối thiểu.
Theo tính toán của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 8% tương đương lương tối thiểu tăng thêm 220.000 – 330.000 đồng/ tháng. Phương án này đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.
Tuy nhiên, trước đề xuất này, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trước phiên họp vừa qua, VCCI đã trao đổi với các hiệp hội, DN trong và ngoài nước. Kết quả là cộng đồng DN đều thống nhất kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2019, để “bồi dưỡng” giúp DN củng cố “sức khỏe”, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng cho yêu cầu hội nhập.
“Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hơn nữa trong bối cảnh bất ổn thương mại, môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt, DN trong nước có nguy cơ thua trên sân nhà nên cần cho DN khoảnh thời gian để củng cố”, ông Phòng chia sẻ.
Cộng đồng DN kiến nghị chưa nên tăng lương tối thiểu trong năm 2019 |
DN phát triển, NLĐ mới ấm no
Theo đại diện VCCI, trong 10 năm qua, năm nào lương tối thiểu cũng tăng. Trong giai đoạn từ năm 2013 – 2018, lương tối thiểu tăng trung bình 13%. Điều này khiến DN rất khó khăn.
Vì vậy, VCCI cho rằng chưa tăng lương tối thiểu để tạo điều kiện cho DN phát triển. Không tăng lương, DN cũng có nhiều cách để bảo đảm cuộc sống của NLĐ, như tăng mức thưởng, trợ cấp cho NLĐ.
Tiến tới nên để DN có quyền quyết định lương tối thiểu bằng thỏa thuận giữa NLĐ với chủ SDLĐ về mức lương trên cơ sở công việc, thời gian làm việc. Chỉ trên cơ sở đó mới tạo ra sự minh bạch trong chính sách trả lương và thu nhập của NLĐ.
“Trong DN, người SDLĐ và NLĐ đang ngồi trên một con thuyền. Mà con thuyền đó có rẽ sóng ra khơi thì cả NLĐ và người SDLĐ mới có lợi. Ngược lại, nếu con thuyền này có mệnh hệ gì, cả NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng”, ông Phòng chia sẻ.
Theo chia sẻ của nhiều DN, chủ SDLĐ luôn coi sức lao động là tài sản vô giá để DN phát triển. Nếu hợp đồng ký rồi mà không có người làm, khi đó, chính chủ DN sẽ đứng ngồi không yên.
Trước hai phương án trái ngược nhau mà phía người SDLĐ và NLĐ đưa ra, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH, nêu quan điểm: Trong thị trường, hai người chơi với nhau là người SDLĐ và NLĐ. Nhà nước thúc đẩy để hai bên thảo luận về mức lương tối thiểu.
Nhà nước vừa muốn nâng cao đời sống, vừa muốn tăng năng lực cạnh tranh của DN. Bởi vậy, cần thảo thuận để tìm ra phương án phải hài hòa lợi ích cho cả hai. Các chính sách sách phải làm sao vẫn giữ được việc làm, cải thiện đời sống cho NLĐ mà DN vẫn phát triển.
“Nhà nước không can thiệp vào việc quyết định tăng lương tối thiểu. Mức điều chỉnh phải được quyết định thông qua thảo luận giữa NLĐ và người SDLĐ”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Được biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI sẽ họp phiên tiếp theo sau hai tuần nữa, trước khi đồng thuận đưa ra kết luận cuối cùng.
Thy Lê