Romania còn thúc đẩy đầu tư để tạo nguồn thu ngân sách và cố gắng bán bớt cổ phần trong một loạt doanh nghiệp nhà nước trong 2 năm tới.
Ông Liviu Dragnea – người đứng đầu Đảng Dân chủ Xã hội và đồng thời là chủ tịch Hạ viện Rumani, cho biết chính phủ cũng sẽ không bắt buộc người dân tham gia chương trình hưu trí tư nhân.
Theo quy định hiện nay, người lao động dưới 35 tuổi phải đóng quỹ hưu trí tư nhân. Việc thay đổi chính sách này được dự báo có thể tác động đến thị trường vốn Rumani, vì các quỹ hưu trí đang là đối tượng đầu tư có tiềm lực nhất.
Chính quyền tự tin, EU lo ngại
Trả lời phóng viên Reuters, ông Dragnea – người được xem là chính trị gia quyền lực số một tại quốc gia Đông Âu này, mặc dù đã bị cấm tranh cử Thủ tướng vì vướng vào một vụ dàn xếp bỏ phiếu trong quá khứ – khẳng định “Việc hạ nhiệt tài chính cho cả khu vực tư nhân và cho người lao động là một nhu cầu cấp thiết. Điều này sẽ được tiếp tục thực hiện, chúng tôi sẽ giảm cả số loại thuế lẫn số thuế phải nộp”.
Năm 2017, chính phủ nước này đã nhiều lần nâng lên đặt xuống đề xuất thay đổi chính sách thuế, vô hình trung khiến giới đầu tư hoang mang và gây áp lực lên đồng Leu, song cuối cùng cũng đi đến quyết định cắt giảm thuế thu nhập và đóng góp an sinh xã hội.
Chính phủ cũng hy sinh tiền đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng lương cơ sở, nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Quan điểm của ông Dragnea là những gì đã cam kết thì phải làm ngay, không thể chần chừ hết năm này qua năm khác.
Tuy nhiên, chính sự quyết liệt của Rumani trong việc nới lỏng chính sách tài khóa lại khiến Ủy ban châu Âu lo ngại về khả năng quốc gia này đi chệch các mục tiêu ngân sách.
Brussels dự kiến Romania (gia nhập Liên minh châu Âu năm 2007) sẽ thâm hụt 3,4% tổng sản phẩm quốc dân trong năm nay, vượt quá mức mục tiêu 2,9%, trừ khi nước này có các biện pháp mới để tiết giảm chi tiêu.
Tuy nhiên, ông Dragnea tin tưởng chính phủ sẽ biết cách xoay sở mà không cần bổ sung thêm biện pháp nào. Ông cũng khẳng định tăng trưởng dự kiến của Rumani sẽ vẫn đạt 5,5%, cho dù chỉ số này trong quý I vừa qua còn chưa đạt 4%.
Romania đang thúc đẩy đầu tư để tạo nguồn thu ngân sách |
Tập trung vào an sinh xã hội
Ông Dragnea tuyên bố rằng đến năm 2020, các khoản đóng góp an sinh xã hội sẽ được giảm nữa, xuống dưới 35% (hiện nay là 37,25%). Thuế giá trị gia tăng sẽ giảm tiếp 1% xuống còn 18%, tuy nhiên, thời điểm áp dụng vẫn chưa được chốt là năm 2019 hay 2020.
Chính phủ Rumani còn dự kiến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 16% về 10% đối với những công ty có doanh thu trên 1 triệu euro vào năm 2020. Thuế tài sản cũng được cắt giảm.
Ngoài ra, Đảng Dân chủ Xã hội đang thảo luận về cách thức hỗ trợ thị trường chứng khoán bắt đầu từ năm tới, bao gồm miễn thuế thu nhập cá nhân cho người lao động làm việc trên thị trường vốn và tham gia môi giới. Quyết định về việc liệu có loại bỏ thuế 5% đối với cổ tức vẫn đang được xem xét.
Mức lương tối thiểu nhiều khả năng sẽ tăng lên trên 300 euro vào năm 2020, trong khi lương hưu tối thiểu sẽ tăng lên mức khoảng 200 euro. Ông Dragnea cho rằng sau quá nhiều năm thắt lưng buộc bụng, đã đến lúc phải cải thiện tiền lương và hưu trí cho người dân, thậm chí tới mức mà các nước phương Tây cũng phải ao ước.
Trước những ý kiến quan ngại về tác động của chương trình kích thích nêu trên đối với tài khoản vãng lai và tình hình lạm phát, ông Dragnea tỏ ra khá bình thản.
Ông cho biết chính phủ đã có kế hoạch tập trung đẩy mạnh thu ngân sách thông qua đầu tư, thúc đẩy các kế hoạch viện trợ, tranh thủ các quỹ của EU và khởi động các dự án cơ sở hạ tầng bằng hình thức đối tác công – tư (PPP).
Quá trình cổ phần hóa cũng được xúc tiến trở lại và bắt đầu từ giai đoạn 2019 – 2020, một số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Hải Châu