Trong 2 tháng đầu năm 2022, tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công ty, xí nghiệp trên khắp các địa phương của Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... luôn “nóng” thông tin tuyển dụng. Đặc biệt, các doanh nghiệp giày da, dệt may, linh kiện điện tử, phụ tùng lắp ráp… liên tục thông báo cần gấp, cần số lượng lớn lao động phổ thông, lao động có trình độ với nhiều quyền lợi hấp dẫn về lương, thưởng, phụ cấp, đưa đón nhưng vẫn khó tuyển.
Ưu đãi “hết nấc” vẫn không tuyển đủ
Công ty LG Electronics Hải Phòng đăng thông tin tuyển dụng hàng trăm kỹ thuật viên và nhiều vị trí quản lý, kỹ sư khác với quyền lợi thu hút: hình thức phỏng vấn online, thu nhập từ 9 – 12 triệu, tuyển chính thức, đi làm luôn, phụ cấp xăng xe, chuyên cần, các khoản thưởng và hỗ trợ khác, ăn trưa, ăn tối miễn phí tại công ty, xe đưa đón các tuyến Hải Phòng… Dù ưu đãi “hết nấc” như vậy, nhưng lượng hồ sơ ứng tuyển vẫn rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với kế hoạch. Doanh nghiệp vẫn trong cuộc hành trình “tha thiết” tìm kiếm ứng viên đáp ứng được tiêu chí”, đại diện Doanh nghiệp này nói.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn công ty Taekwang Vina cho biết, công ty có chính sách thưởng 7.200.000 đồng cho những người lao động mới, đối với người giới thiệu nhân viên mới cũng nhận được hỗ trợ lên tới 4.000.000 đồng. Áp dụng chính sách thưởng đặc biệt cao, nhưng hi vọng của công ty Taekwang Vina tuyển đủ chỉ tiêu con số 5.000 lao động vẫn không hề dễ dàng.
Theo tìm hiểu, nhiều quyền lợi đãi ngộ “chưa từng có trong lịch sử” được lãnh đạo doanh nghiệp này phê duyệt, nhưng bộ phận nhân sự vẫn gặp áp lực về chỉ tiêu tuyển lao động. Trước mắt, các doanh nghiệp buộc phải sản xuất kiểu “ăn đong”, tiến hành sắp xếp tăng ca kíp, tuyển lao động thời vụ, nâng cao năng lực quản lý, nắm bắt công nghệ mới kết hợp tăng lương, thưởng xứng đáng cho lực lượng nhân sự sẵn có nhằm giải quyết các đơn hàng kịp tiến độ.
Biển tuyển dụng lao động của Công ty TNHH Jasan Việt Nam được treo ở cổng Công ty với nhiều quyền lợi hấp dẫn. |
Các chuyên gia đánh giá, nhân lực đang là vấn đề “đau đầu” của hầu hết các doanh nghiệp sau giai đoạn giãn cách vì dịch Covid-19. Việc thiếu hụt lao động sau Tết hàng năm đều thiếu, nhưng sau đại dịch Covid-19, tình trạng này càng trầm trọng hơn.
Một trong những lý do được Lãnh đạo Sở LĐTB&XH nhiều tỉnh, thành nhận định là do tránh dịch bệnh, cuộc khủng hoảng lao động tạm trú dịch chuyển ngược về quê và chọn dừng chân tại địa phương khiến cho “cơn khát” lao động càng gia tăng.
Trao đổi với VnBusiness, chị Trần Thị Minh (27 tuổi, Thanh Hóa) cho biết, chị không muốn trở lại Bình Dương làm việc nữa, lương làm cả tháng được 7 triệu, tiền thuê nhà, tiền ăn ở, đi lại tốn kém, lại quá xa nhà, cả năm về quê một lần, gần như không dành dụm được bao nhiêu. “Hiện giờ tôi về nhà mở tạp hóa nhỏ buôn bán, thu nhập cũng tạm ổn, lại gần nhà nên không còn ý định đi làm xa nữa”.
Còn với anh Ngô Văn Bình (40 tuổi, Bắc Giang) quyết định đưa cả gia đình rời Hà Nội về quê tìm công việc mới để ổn định cuộc sống. “Các công ty nước ngoài ở gần nhà tôi tuyển rất nhiều, chế độ cũng giống nhau, từ lúc nghỉ giãn cách, tôi muốn ở hẳn quê để tiện chăm sóc gia đình và cũng tiết kiệm được tiền lương hơn trước”.
Lý giải về hiện tượng trên, giám đốc một doanh nghiệp cho biết, trong thời điểm đỉnh dịch bệnh như hiện nay, tâm lý e dè chưa muốn bắt đầu công việc xuất hiện ở nhiều nơi. Chưa kể, nhiều người lao động trở thành F0, người lao động nghỉ chế độ chăm sóc con cái là F0... cũng làm hao hụt đi khá nhiều nhân lực vững tay nghề.
“Nguồn lao động cứng thiếu, trong khi doanh nghiệp triển khai mở rộng và phát triển qui mô, hồi phục sản xuất cần rất nhiều lao động. Do đó, việc chuẩn bị nhân lực chất lượng gặp quá nhiều thách thức đối với doanh nghiệp”, vị này nói.
Cần những giải pháp đồng bộ
Như vậy, câu chuyện phục hồi kinh tế bây giờ không chỉ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh mà còn là vấn đề “đói” lao động.
Số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu tuyển dụng qua đào tạo chiếm hơn 85%, trong tổng số hơn 43.000 lao động đi tìm việc trong quý III/2021, số người có trình độ nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm hơn 38%. Từ chỗ “kén chọn” về trình độ, tay nghề, bằng cấp, thậm chí tổ chức thi tuyển bài bản đầu vào để lựa chọn ứng viên thì nay các công ty hạ bớt tiêu chí, chấp nhận đào tạo lại từ đầu, kí cam kết minh bạch với người lao động với các quyền lợi rõ ràng, hấp dẫn.
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang từng bước tham gia, đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong gần hai tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Môi trường chính trị ổn định khiến các nhà đầu tư yên tâm, nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều đột phá. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI sẽ còn “nóng” trong thời gian tới.
“Để thu hút và tuyển được lao động cho các doanh nghiệp, bây giờ chúng ta phải có chính sách đào tạo bài bản và đãi ngộ xứng đáng thì mới đáp ứng được nhu cầu", Phó ban Chính sách, Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Lê Đình Quảng, khẳng định.
Cần đào tạo nguồn lao động đạt chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn kĩ thuật, kĩ năng và phẩm chất nghề nghiệp trong điều kiện công nghệ liên tục cải tiến, đổi mới. |
TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, vấn đề tái cấu trúc thị trường lao động vẫn đang là khâu yếu của Việt Nam, đặt biệt là chất lượng dự báo cung cầu lao động. Tái cấu trúc lại hệ thống đào tạo thông qua xây dựng chiến lược và quy hoạch đào tạo mới về quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ và chất lượng. Doanh nghiệp cần có chiến lược và lộ trình phát triển nhân lực thích ứng với bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, cần xây dựng cơ chế hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích.
Trong bối cảnh đó, nhiều Bộ, ngành địa phương đã chủ động khâu đào tạo nhân lực chất lượng cao để cung cấp, đón đầu xu hướng đó. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo làm tốt khâu tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp; sát sao thực hành thực tế cho sinh viên, tạo nguồn cung ứng nhân lực chất lượng kịp thời. Đặc biệt, hình thức trực tiếp kết hợp với chính đối tác tổ chức các đợt đào tạo tại nước ngoài, chương trình bồi dưỡng chuyên môn sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng đang tích cực rà soát lại tình hình lao động ở các địa phương, từ đó tăng cường sự kết nối nhanh nhạy giữa người lao động với doanh nghiệp tại các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, các sàn giao dịch việc làm.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, điều quan trọng nhất hiện nay ngoài công ăn việc làm chính là vấn đề nhà ở, nhà trọ, đây chính là “sàn an sinh tối thiểu của người lao động”.
“Cùng với tăng đãi ngộ lương thưởng, việc hỗ trợ công nhân tiền nhà trọ, cho vay vốn giảm lãi suất, xây dựng chung cư, nhà ở, nhà trẻ, các khu tiện ích miễn phí sẽ giữ được chân người lao động, người lao động không phải nghĩ ngợi đến việc tìm kiếm môi trường mới hấp dẫn hơn”, Bộ trưởng Dung nói.
Nguyễn Luận