Nước xanh ngằn ngặt trên mặt 4 hồ điều hòa từ bãi thải GIP của Công ty TNHH MTV DAP - Vinachem Đình Vũ. Xung quanh, không một loại cây nào còn tồn tại xanh tốt. Một bà trông coi đền "thành hoàng làng" khi thấy một người định đưa chân xuống rửa, vội quát: "Muốn cụt chân hay sao mà thò xuống. Nước toàn axít thôi đấy".
Đau lòng cá chết
Trước mắt hàng chục phóng viên, cảnh tượng cá, tôm chết hàng loạt, kéo dài hàng km, diện tích lên đến hàng chục ha trong các đầm thủy sản. Ngoài cửa biển, cho dù nước đang chảy, nhưng vẫn còn đó xác cá chết trôi dạt vào bờ. Nhiều bãi "tha ma" cá được một số công nhân của Công ty TNHH MTV DAP - Vinachem Đình Vũ vội vàng chôn lấp, nhưng lại bị người dân đào lên để cho các phóng viên quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng.
Ông Đặng Văn Diệp, một chủ đầm thủy sản, bức xúc: "Trong khi chúng tôi đã phải vay tiền ngân hàng, vay mọi người để đầu tư con giống, đầu tư vào đầm, vốn chưa thu được nhưng năm nào cũng bị nước axít từ bãi GIP của Công ty chảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường, dẫn đến cá tôm chết hàng loạt. Từ ngày có Công ty về đây, năm nào chúng tôi cũng bị lỗ. Từ đầu năm 2013 đến nay, đây là lần thứ 2, nước từ bãi GIP chảy ra, giết chết cá tôm của chúng tôi".
![]() |
Không loại cây nào sống được bên hồ nước
Được biết, giữa năm 2012, sau một trận mưa kéo dài, nước từ bãi GIP hơn 1 triệu tấn của Công ty TNHH MTV DAP - Vinachem Đình Vũ tràn ra sông. Đêm đến, bà con không biết, lấy nước vào đầm đã điêu đứng vì cá chết. Trận đó, lãnh đạo Công ty CP DAP Đình Vũ đã phải hỗ trợ thiệt hại cho nông dân hàng chục triệu đồng.
Đê bao hồ thấp đến bao giờ?
Ông Nguyễn Văn Phiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV DAP - Vinachem Đình Vũ, cho biết quy trình nước từ bãi GIP chảy như sau: khi mưa nhỏ, nước ngấm qua bãi GIP (hơn 1 triệu tấn), chảy ra hồ điều hòa số 1. Từ đây, máy bơm hút nước quay trở lại cung cấp nước cho nhà máy. Nhưng cũng có ngày mưa to, mưa kéo dài, hoặc bão, nước từ hồ số 1, chảy tràn sang hồ số 2, rồi số 3, số 4, tràn ra sông, hoặc đầm của nông dân.
Nhất là những ngày bão, đê bao hồ vỡ, nước hồ số 1 cũng nhanh chóng chảy tràn ra cửa sông. Để chống đỡ với những trận tràn nước từ hồ điều hòa của bãi thải GIP, nông dân nuôi trồng thủy sản ở Đình Vũ đã chủ động vay mượn tiền đầu tư nâng cao bờ đê của đầm. Nhưng việc làm đó chẳng khác nào vỗ tay bằng một bàn tay. Mưa, bão vẫn xảy ra và thiệt hại vẫn tiếp diễn.
Theo ông Đoàn Văn Vương, một chủ đầm ở Đình Vũ, từ trận bão số 2 (đầu năm 2013), dân đã thông báo rồi nhưng Công ty không triển khai đắp cao bờ đê hồ. Dân đắp đầm chỉ mất có 1 tháng là xong, nhưng công ty triển khai quá chậm.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Phiên giãi bày: "Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước nên cho dù đã có thiết kế để nâng cao bờ đê đầm, nhưng mong bà con thông cảm, việc thi công không thể thực hiện ngay lập tức vì còn phải chờ phê duyệt".
Và cuối giờ sáng ngày 29/7, 21 hộ dân đã được Công ty TNHH MTV DAP - Vinachem Đình Vũ "hỗ trợ thiệt hại" với số tiền 7 triệu đồng/hộ.
Vũ Trang