UBND tỉnh Quảng Nam mới đây có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc giải quyết đề nghị của CTCP Eurowindow liên quan đến việc hợp đồng cung cấp, thi công lắp đặt hạng mục mặt dựng - khu phức hợp khách sạn và casino tại dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (dự án Hoiana).
Văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam xuất phát từ phản ánh trước đó (ngày 11/7/2023) của Eurowindow đề cập đến việc sau nhiều lần liên hệ và gửi yêu cầu nhà thầu thanh toán công nợ tại dự án Hoiana, nhưng đến nay chưa được thanh toán theo hợp đồng.
Cụ thể, Eurowindow đã nêu chi tiết trong văn bản về số công nợ quá hạn đến thời điểm hiện tại. Trong đó, số tiền còn lại Coteccons (CTD) phải thanh toán là gần 17,3 tỷ đồng, Cofico là 60,7 tỷ đồng.
Eurowindow nhấn mạnh việc các “con nợ” là Coteccons và Cofico kéo dài thời gian thanh toán đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính các nhà thầu phụ nói chung, trong đó có công ty và những người lao động tham gia sản xuất, lắp đặt tại dự án.
Coteccons cần thu xếp tốt những vấn đề về công nợ để tránh "tiếng xấu đồn xa", gây ảnh hưởng uy tín. |
Con số hơn 17 tỷ đồng thực tế không có gì đáng kể đối với một nhà thầu có doanh thu hơn chục nghìn tỷ như Coteccons. Tuy nhiên, nó khiến nhiều người chú ý bởi chỉ vài ngày trước, Coteccons bị Ricons đệ đơn lên tòa kiến nghị làm thủ tục phá sản cũng vì... công nợ khó đòi.
Tại báo cáo tài chính quý II/2023, Ricons công khai Coteccons đang nợ hơn 322 tỷ đồng. Dù Ricons nhiều lần khẳng định việc gửi đơn lên tòa đề nghị “đối thủ” trong cuộc đua đến gói thầu 5.10 trị giá 35 nghìn tỷ tại dự án sân bay Long Thành làm thủ tục phá sản “không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu”. Tuy nhiên, sự kiện trên vẫn khiến nhiều người “đặt dấu hỏi”.
Như trong bài viết mới đây, Vnbusiness dẫn lời một chuyên gia kinh tế độc lập nhận định dù không có mục đích “hạ uy tín đối thủ”, song hành động của Ricons phần nào đó có thể gây ra những xáo trộn cho Coteccons trong thời điểm nhạy cảm này. Minh chứng là ngay sau khi thông tin trên nổ ra, cổ phiếu CTD trên HoSE nhanh chóng bị nhà đầu tư bán ra mạnh.
Bản thân Coteccons cũng đã lên tiếng về việc nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bên cạnh chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp về hợp đồng kinh tế, Coteccons cũng khẳng định trong bối cảnh khó khăn, một số nhà thầu đã nhân cơ hội “leo thang” xung đột không đáng có.
“Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này. Do đó, Coteccons đề nghị Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons", thông cáo của Coteccons nêu rõ.
Cần nhấn mạnh, gói thầu tỷ USD 5.10 tại sân bay Long Thành đang vào chặng nước rút (dự kiến công bố vào 12/8). Vì vậy, những “lùng bùng” về các khoản nợ là tối kỵ, trong bối cảnh Coteccons cùng các đối tác trong liên danh Hoa Lư đang chạy đua với các liên danh hùng mạnh khác. Nếu không có cách xử lý tốt, “chuyện bé” rất có thể sẽ bị “xé ra to”.
Dù đang gặp phải những thông tin bất lợi về chuyện thanh toán công nợ, song Coteccons lại đang có nhiều chuyển biến tích cực về hoạt động kinh doanh. Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, CTD ghi nhận doanh thu thuần gần 3.619 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Khấu trừ các chi phí, Coteccons lãi ròng hơn 30 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước lỗ ròng gần 24 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lãi cao nhất kể từ quý 3/2021.
6 tháng đầu năm 2023, Coteccons đạt gần 6.749 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Lãi ròng đạt hơn 52 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ. Ngoài ra, khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi của công ty giảm 195 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của công ty ở mức 21.375 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm. Trong đó, CTD nắm giữ gần 1.883 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng tới 77%. Ngoài ra, tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng tăng từ 429 tỷ đồng đầu năm lên 1.251 tỷ đồng.
Những khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và các khoản phải thu ngắn hạn của CTD lại tăng lần lượt 23% (đạt 2.180 tỷ đồng ) và 8% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả là hơn 13.103 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 697 tỷ đồng; khoản vay tài chính dài hạn gần 498 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản nợ đối với Ricons không được CTD nhắc tới trong kỳ báo cáo tài chính quý II này.
Hưng Nguyên