Một loạt các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) nổi bật trên thị trường trong thời gian vừa qua bất chấp đại dịch Covid-19, đang cho thấy sức hút của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đối với các nhà đầu tư ngoại.
Dư địa lớn ở nhiều lĩnh vực
Chia sẻ với báo chí, ông Masuoka Hiroyashi, Tổng giám đốc các Khu công nghiệp Thăng Long cho biết, nhờ có mặt bằng sạch, hạ tầng hoàn thiện và lao động dồi dào mà các khu công nghiệp Thăng Long tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đang thu hút rất tốt các nhà đầu tư đến từ nước ngoài.
“Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư liên lạc với chúng tôi để tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, hy vọng dịch được kiểm soát tốt, họ sẽ đến trực tiếp để tìm hiểu", ông Masuoka nói.
![]() |
Vốn đầu tư nước ngoài vào BĐS tiếp tục là tâm điểm trong 10 tháng đầu năm 2021. |
Trong khi đó, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã và đang là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư BĐS trên thế giới. Không chỉ có BĐS công nghiệp mà cả BĐS nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS sức khoẻ… cũng đang là thỏi nam châm hút các nhà đầu tư ngoại.
Những thương vụ điển hình như Công ty Aseana Properties Ltd. đã bán cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế City cho một đối tác liên doanh có tổng giá trị khoảng 95 triệu USD. Tập đoàn Ascott Ltd. (Capitaland) mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi với giá khoảng 93 triệu USD…
Hay như mới đây, CTCP Aortronic, nhà phát triển BĐS đã mua Khu công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), trị giá khoảng 30 triệu USD…
Theo chuyên gia này, tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng, cùng với quá trình đô thị hoá nhanh tại các thành phố lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về nhà ở trên khắp Việt Nam.
Bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch nhưng đây cũng là phân khúc mà các nhà đầu tư thông minh có khả năng tìm thấy cơ hội hiếm có để gia nhập vào thị trường BĐS tại Việt Nam, đặc biệt là ở Phú Quốc, Nha Trang, Bình Thuận, hay Bà Rịa-Vũng Tàu.
Một phân khúc tuy mới xuất hiện, theo một số chuyên gia BĐS, đang nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, đó là BĐS hướng vào chăm sóc sức khoẻ. Điển hình là bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế, hoặc cũng có thể là viện dưỡng lão - đón đầu dân số Việt Nam già hoá vào vài chục năm nữa.
TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia BĐS nhìn nhận, đối với BĐS du lịch, BĐS thương mại, thực sự các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất thận trọng. Tuy nhiên, riêng đối với BĐS nhà ở và văn phòng thì các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm.
Vì trên thực tế, Việt Nam có gần 100 triệu dân, dư địa phát triển nhà ở cao cấp rất lớn cho tầng lớp nhà giàu mới nổi. Hơn nữa, theo đánh giá của các chuyên gia, giá nhà cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM vẫn còn rẻ so với các thành phố trong khu vực như Singapore, Thượng Hải, Thâm Quyến, Manila… nên là “miếng bánh” ngon cho các nhà đầu tư ngoại.
Còn loại hình văn phòng, trong khi nguồn cung văn phòng cao cấp trong trung tâm hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM hạn chế, nhu cầu thuê của các doanh nghiệp lớn lại đang mở rộng, giá đang có dấu hiệu tăng… Do đó, loại hình này rất cần các nhà đầu tư chuyên nghiệp lấp "khoảng trống".
Điểm sáng bất động sản công nghiệp
Đặc biệt, ông Đoàn Duy Hưng, Tổng giám đốc CTCP Xúc tiến đầu tư khu công nghiệp Việt Nam (IIP Việt Nam) đánh giá, trong đại dịch, BĐS công nghiệp nổi lên như một điểm sáng. Bởi khi rót vốn, các nhà đầu tư sẽ phải tính tới dài hạn, trong khi Việt Nam cũng như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ cùng khu vực chịu ảnh hưởng của đại dịch nặng nề, nhưng các nhà đầu tư vẫn lựa chọn Việt Nam làm điểm đầu tư.
Theo ông Hưng, đây đều là các dự án đã đàm phán từ trước, chờ đến thời điểm chín muồi, các nhà đầu tư mới mới ký kết. Thêm nữa, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển BĐS công nghiệp tốt về vị trí địa lý, ưu đãi đầu tư, hạ tầng, logistics và giá nhân công rẻ…
Điển hình như, Công ty TNHH Bujin Electroics Vina (BEV) đã có kế hoạch chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất tại Trung Quốc về Việt Nam.
Theo ông Park Jae Jang, Phó giám đốc Công ty BEV, năm tới, toàn bộ nhà máy từ Trung Quốc sẽ được đóng cửa và chuyển về Việt Nam, vì đây là quốc gia có vị trí thuận lợi giao thương, chính sách ưu đãi và giá nhân công rẻ.
Với Việt Nam hiện nay, chính sự thay đổi quan điểm của Chính phủ từ "Zero Covid" sang “sống chung với Covid” đã xoá tan sự băn khoăn của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn và quyết định đầu tư hay rót thêm vốn đầu tư.
Ông Đoàn Duy Hưng cho rằng, hút dòng vốn đầu tư vào BĐS công nghiệp là thực tế, tuy nhiên có sự phân hoá về vùng miền khi miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề, còn miền Bắc hồi phục sản xuất sớm.
Số liệu báo cáo quý III/2021 của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, BĐS công nghiệp phía Nam trầm lắng, không có nguồn cung mới và giá thuê không tăng. Toàn thị trường không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy khoảng 85 - 87%.
Trong khi đó, do kiểm soát dịch tốt hơn, thị trường phía Bắc vẫn ghi nhận sôi động cùng nhiều nguồn cung mới, giá thuê trở lại đà tăng nhanh. Giá đất công nghiệp trung bình toàn khu vực miền Bắc đạt 108 USD/m2, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
“Sau làn sóng dịch thứ 4, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn thấy ngoài chiến lược ngoại giao vắc-xin còn là sự cởi mở trong cách chống dịch của Việt Nam. Điều này là chất xúc tác không chỉ cho thị trường BĐS công nghiệp mà cả thị trường BĐS nói chung tạo đà bứt phá”, ông Hưng nhấn mạnh.
Hải Sơn