Đất công được Nhà nước giao cho các bộ ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước (DNNN)… quản lý. Trong một thời gian dài, việc quản lý sử dụng đất công bị buông lỏng, chỉ bắt đầu "lộ sáng" khi Đảng và Nhà nước chủ trương tiến hành công cuộc cổ phần hóa (CPH) các DNNN. Hàng loạt mảnh đất công được "vén màn" sau bao năm trong "bóng tối".
Buông lỏng quản lý
Luật Quản lý sử dụng tài sản công số 15/2017/ QH14 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).
Quay ngược trở lại những năm trước, khi đất công chưa được quản lý chặt, hàng loạt mảnh "đất vàng" ở những vị trí đắc địa đã được chính quyền một số địa phương, DNNN giao trực tiếp cho các DN tư nhân không thông qua đấu giá, không công khai minh bạch. Đổi lại, Nhà nước được các DN tư nhân trả lại bằng hạ tầng giao thông phục vụ cho chính dự án mà DN đang triển khai.
Nhiều chuyên gia như Gs. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, đã lên tiếng về tình trạng thất thoát tài sản nhà nước giao đất công không thông qua đấu giá. Tiếc thay, những cảnh báo của các chuyên gia dường như không đủ sức thuyết phục để các cơ quan vào cuộc ngăn chặn sự thất thoát tài sản lớn đến như vậy.
Và chuyện gì đến cũng phải đến. Hàng loạt sai phạm nối tiếp sai phạm về việc sử dụng, bàn giao đất công, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng đã diễn ra tại Đà Nẵng, Tp.HCM…
Sai phạm trong quản lý đất công xảy ra không chỉ Nhà nước thất thoát nguồn tài sản lớn trước, trong và sau CPH, mà điều đau xót hơn cả đó là "mất" cán bộ, – những cán bộ đã được dày công đào tạo để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nói một cách sòng phẳng, bản chất của hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) là hình thức đầu tư rất tốt đẹp. Thế nhưng, bản chất tốt đẹp của BT đã bị "bóp méo", phía sau đó "lẩn khuất" những lợi ích nhóm, khiến Nhà nước thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Những mảnh "đất vàng" tại Đà Nẵng hay bán đảo Thủ Thiêm (Tp.HCM) đã nhanh chóng rơi vào tay một "nhóm người".
Nhiều chuyên gia trăn trở: Giá như có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, giá như…, thì Nhà nước không bị thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, cán bộ không vướng vào lao lý… Giá như Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được triển khai sớm hơn thì có lẽ đã không bị dư luận phản ứng như bây giờ mà vẫn thúc đẩy phát triển được kinh tế – xã hội.
Mọi điều "giá như" đều muộn nhưng vẫn cần phải đặt ra để rút kinh nghiệm. Đặc biệt cần thiết phải có một Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Bộ Tài chính thừa nhận, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định này rất khó vì liên quan nhiều Luật khác nhau: Đầu tư, Đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất…
Còn người đứng đầu cơ quan kiểm toán trung ương, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, nhìn nhận đây là một bất cập trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Hoàn chỉnh khung pháp lý
"Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiến nghị với Chính phủ để có những quy định cụ thể. Việc quản lý sử dụng đất phải theo mục đích đã định, không được chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu DN không có nhu cầu sử dụng đất thì phải trả lại cho Nhà nước để tiến hành đấu giá", ông Phớc cho biết.
Có thể nói, việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ 1/1/2018 là một khoảng trống pháp lý. Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản đã thừa nhận điều này tại buổi họp báo chuyên đề tại Bộ Tài chính hồi tháng 10/2018.
Cũng tại phiên họp Chính phủ tháng 8/2018, Chính phủ có Nghị quyết giao các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện về nhiều nội dung cả về đầu tư, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư.
Số liệu của Cục Quản lý công sản cho biết, khu vực hành chính sự nghiệp hiện có khoảng hơn 200.000 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất khoảng 2.605 triệu m2, diện tích nhà 142 triệu m2. Đây là nguồn lực rất lớn của Nhà nước, nếu không có biện pháp quản lý sẽ gây thất thoát, lãng phí.
Nhiều giải pháp quản lý đất công đã được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đề xuất. Bộ Tài chính còn "hiến kế" đưa đất công lên sàn giao dịch điện tử. Thậm chí, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã kiến nghị thanh tra toàn diện đất công và các dự án có "đất vàng".
Tuy nhiên, bất cứ một giải pháp nào đưa ra cũng không thể minh bạch được tình trạng bán rẻ đất công, chuyển nhượng đất công không qua đấu giá. Mà ở đó cần sự thanh liêm, chính trực, minh bạch của chính cán bộ, vì cán bộ mới là cái gốc của sự việc.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT.
Điều mà dư luận quan tâm là "những sai phạm khi bị phát hiện, các cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao?". Đáng mừng là trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác…) thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT theo đúng Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 9/9/2018 của Chính phủ.
Minh Sơn