Báo của của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong 5 năm, chỉ có khoảng 300 người trong 18.000 người trên địa bàn thành phố có nhu cầu mua nhà ở xã hội vay được tiền, tức chiếm chưa đầy 2%. Hơn 98% còn lại phải vay nguồn khác theo giá thương mại, lãi suất thả nổi.
Lo “có tiền không tiêu được”
Con số chưa đầy 2% có thể gây ám ảnh này đến từ 2 nguyên nhân chính là các gói hỗ trợ vẫn quá ít và thủ tục để người vay có thể tiếp cận dòng vốn quá ngặt nghèo.
Hơn 10 năm trước, khi thị trường bất động sản “vỡ bong bóng”, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được tung ra đã phần nào giải cơn khát nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp. Nhiều chủ đầu tư tiến hành cơ cấu lại sản phẩm, “chẻ nhỏ” căn hộ để bán, thị trường dần tan băng.
Bối cảnh của thị trường nhà đất hiện tại có nhiều điểm tương đồng trong quá khứ và gói 120.000 tỷ đồng hướng vào nhà giá rẻ cũng vừa được Chính phủ “bấm nút” thông qua. Nếu chỉ xét về những con số, một gói hỗ trợ gấp 4 lần rõ ràng đem theo niềm hy vọng nhân 4 cho người dân.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, câu chuyện vay và cho vay mua nhà không chỉ đơn thuần là những con số, bài toán khó nhất lúc này là nhanh chóng gỡ vướng về thủ tục, pháp lý và cơ chế hỗ trợ ưu đãi. Tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, có tiền mà không tiêu được.
Cần có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng để người vay mua nhà ở xã hội tiếp cận nguồn vốn. |
Cần nhắc lại, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm bớt khủng hoảng tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản.
Theo đó, Nghị quyết đã "chốt" nội dung các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ giảm 1,5 - 2% lãi suất cho những người vay mua nhà thông qua gói 120.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên những người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Song, theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành, với mức lãi suất vay mua nhà lên đến 14-15% như hiện tại, mức giảm 1,5-2% vẫn chưa thể đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các ngân hàng cần có những gói tín dụng đặc thù riêng.
Chưa kể, thị trường đang xảy ra nghịch lý người dân có vay được tiền cũng không biết mua nhà ở xã hội ở đâu. Nguyên nhân là bởi nguồn cung đang vô cùng khan hiếm do doanh nghiệp muốn làm cũng không được vì vướng thủ tục.
Cách nào gỡ các rào cản?
Với chi phí, giá thành hiện tại, làm nhà ở xã hội chỉ lãi 10% nhưng thời gian làm mất hết 5 năm, vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%. Do đó, nếu không có nhiều tâm huyết thì các doanh nghiệp sẽ không làm.
“Điều đáng nói là khi chúng tôi làm thì lại bị thanh, kiểm tra liên tục. Kiểu như mua dây buộc mình. Các doanh nghiệp khác thấy vậy cũng sợ. Tóm lại, câu chuyện của nhà ở xã hội là cần “gỡ vướng”. Vướng ở đây là luật. Các quy định trong Luật do chính con người làm ra, sao chúng ta không sửa?”, ông Thành chia sẻ.
Cùng góc nhìn, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân trong một hội thảo mới đây đã đề cập đến “bộ 4 rào cản” trong phát triển, xây dựng nhà ở xã hội: vốn, quỹ đất, chính sách và thủ tục hành chính.
Nếu vấn đề vốn hiện tại có thể trông chờ vào gói 120.000 tỷ đồng, thì vấn đề thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội vẫn đang vô cùng phức tạp, kéo dài, thậm chí khó khăn hơn cả làm nhà ở thương mại khiến nhiều doanh nghiệp thiếu “mặn mà”.
Những diễn biến từ thực tế chỉ ra nếu các vướng mắc về pháp lý không được tháo gỡ thì mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 khó thành hiện thực và giấc mơ an cư lạc nghiệp của người lao động mãi mãi xa vời.
Do đó, theo giới chuyên gia, để hỗ trợ người vay mua nhà ở xã hội, Chính phủ cần đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết để cấp bù lãi suất, cho người mua nhà ở xã hội lẫn doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà này được hưởng mức lãi suất ưu đãi, khoảng 5% mỗi năm.
Cùng với đó, có một thực tế dễ thấy hiện nay là hầu hết người có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội không đáp ứng đủ các điều kiện được đưa ra. Điển hình như người mua thường không đảm bảo nguồn vốn 30% tự có, lao động là người ngoại tỉnh không có hộ khẩu thường trú, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng tiêu chí đủ điều kiện đăng ký nhà ở xã hội, xác định các nhóm đối tượng ưu tiên trước, sau theo các tiêu chí nên xuất phát từ thu nhập, nhân khẩu học và đã sở hữu nhà ở xã hội hay chưa.
Ngoài ra, cần thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp thuê. Chính sách cho thuê cũng cần được xây dựng cụ thể, rõ ràng về nhóm đối tượng, hình thức và thời gian thuê. Việc cho thuê nhà ở xã hội nên cần tách biệt rõ với thuê nhà ở thị trường bằng các hình thức một cách linh hoạt như cho thuê dài hạn.
Hưng Nguyên