Nhiều ý kiến trái chiều đối với Văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ, hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở. Tuy nhiên, ý kiến của Bộ TN&MT trả lời báo chí mới đây đã giải toả được những thắc mắc của dư luận.
Thị trường có nhiều tín hiệu tốt?
Đánh giá về Văn bản 703, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam, cho rằng đây là một tín hiệu tốt đối với thị trường bất động sản của Việt Nam ngay đầu năm 2020, đặc biệt là dành cho các đơn vị đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.
“Nếu văn bản hướng dẫn này được chính thức triển khai, sẽ là một cú đỡ, một đòn bẩy rất lớn cho khu vực bất động sản nghỉ dưỡng, trong bối cảnh thị trường này đang bị ảnh hưởng sâu sắc từ dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu”, ông Khương nhận định.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, với việc Bộ TN&MT ra văn bản hướng dẫn như ngày 14/2 vừa qua cũng như hai Bộ Xây dựng và Bộ VH-TT&DL đã ra văn bản trước đó, ba Bộ đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.
"Chúng tôi từng tổ chức nhiều hội thảo từ tháng 1/2017 đến nay về condotel. Các bộ, ngành đến dự đều phát biểu là không vấn đề gì nhưng ra văn bản thì lại chậm.
Về tinh thần mà nói trong các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo các bộ, các cơ sở luật pháp đã được ban hành có hiệu lực dựa trên đó đều có thể cấp sổ đỏ cho condotel, officetel", ông Nam nói.
Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh sau quyết định này, thị trường bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng sẽ có nhiều tín hiệu tốt.
Mặc dù có một số người đánh giá văn bản của Bộ TN&MT không có gì mới vì luật pháp đã quy định hết rồi, nhưng ông Nam cho rằng không đúng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại không quá lạc quan tới mức có thể cứu thị trường như nhiều người nhận định.
Văn bản 703 hướng dẫn các địa phương dựa trên những quy định đã có trong các luật (Ảnh: Internet) |
Không phải văn bản quy phạm pháp luật
Trước đó, luật sư Mai Thị Thảo, Trưởng ban Kinh tế TAT Law Firm, cho rằng Văn bản 703 mang tính chất hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ TN&MT cho các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố liên quan đến chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, chứng nhận công trình xây dựng không phải là nhà ở (condotel).
Về cơ bản, văn bản này của Bộ TN&MT không có gì mới. Nội dung hướng dẫn thực hiện đều dựa trên tinh thần các quy định pháp luật trước đây như Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
“Đây không phải là văn bản quy định về tính chất pháp lý condotel. Hay nói cách khác, văn bản này không cấp “khai sinh” cho condotel”, bà Thảo khẳng định.
Chia sẻ với báo chí, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nói đúng hơn đây giống như một văn bản ban hành nội bộ và chưa có gì rõ ràng.
Theo đó, văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT nói rõ là việc thực hiện vẫn dựa trên những quy định của Luật Đất đai, trong khi Luật Đất đai hiện chưa quy định cụ thể về loại hình condotel nên không thể có chuyện cấp sổ đỏ cho loại hình bất động sản như mọi người đang nhầm tưởng.
Mới đây, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng vừa ban hành Quy chuẩn về nhà ở, trong đó có quy chuẩn về chung cư hỗn hợp, condotel, văn phòng, thương mại. Cụ thể, trong tòa nhà có ít nhất một căn hộ chung cư mới được áp dụng quy chuẩn này, nếu tất cả là condotel sẽ không áp dụng.
Với tòa nhà condotel, Bộ Xây dựng sẽ ban hành tiêu chuẩn trong thời gian tới chứ không ban hành quy chuẩn. Nếu có quy chuẩn thì bắt buộc phải đưa ra tiêu chuẩn khuyến khích phát triển.
“Condotel vẫn đang được kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản nhưng nó không phải là sản phẩm nhà ở, sẽ không có nội dung bảo lãnh bán sản phẩm đó hình thành trong tương lai”, ông Hưng nói.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết thêm, Bộ Xây dựng đang rà soát Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu khuyến khích phát triển condotel minh bạch sẽ phải sửa đổi, bổ sung luật này. Luật pháp đi sau thực tế là đương nhiên.
Liên quan đến những ý kiến trái chiều và những băn khoăn của dư luận về Văn bản số 703, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, đây là văn bản của Tổng cục hướng dẫn các địa phương dựa trên những quy định đã có trong các Luật chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật.
Việc cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng ở đây là cấp theo thời hạn của dự án. "Khi giao đất, cho thuê đất thương mại, dịch vụ thực hiện dự án thì đều có thời hạn không quá 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm. Vì vậy, khi cấp giấy chứng nhận cũng sẽ theo thời hạn 50 hoặc 70 năm", ông Phấn nói.
Ông Phấn cho hay, để cấp được giấy chứng nhận trong văn bản hướng dẫn của Tổng cục cần tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Hải Sơn