Anh Hoàng Nam Hải, một nhà đầu tư có quan hệ rộng, từng kết nối nhiều thương vụ từ Việt Nam sang Mỹ, Trung Quốc, Singapore… cho hay, tâm lý “phòng thủ” của khách hàng trong nước hiện tại đang có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc sau khi ngành địa ốc nước này “vỡ bong bóng”.
Kinh nghiệm từ thị trường Trung Quốc
Tình hình khó khăn đến mức, theo anh Hải, hệ thống ngân hàng trung ương đã buộc phải nới lỏng các biện pháp kiểm soát, liên tục bơm hàng tỷ USD vào thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong đó có chính sách ưu đãi lãi suất cho người vay mua căn hộ đầu tiên.
“Lãi suất cho vay mua nhà ở Trung Quốc hiện vào khoảng 4,2-4,5%/năm. Người mua căn hộ đầu tiên còn được hưởng thêm các chế độ đãi ngộ tốt hơn. Các khoản vay được nới lỏng giúp những hộ gia đình mới nhập khẩu vào thành phố tăng khả năng tiếp cận”, anh Hải chia sẻ.
Hỗ trợ người dân vay mua căn nhà đầu tiên là giải pháp tốt để cứu thị trường bất động sản. |
Để làm được điều này, giới chức tài chính tại Trung Quốc đã thúc đẩy hỗ trợ các địa phương đưa ra một “mức sàn” hợp lý về số tiền trả trước và lãi vay thế chấp của người mua nhà. Các khoản vay thế chấp cũng được ngân hàng xem xét gia hạn nếu hợp đồng bị thay đổi, hủy bỏ hoặc người mua mất việc vì Covid-19.
Đơn cử, Vu Hồ (tỉnh An Huy) đang là một trong những thành phố có tỷ lệ tồn kho bất động sản cao nhất Trung Quốc hiện tại. Để vực dậy, chính quyền địa phương đã công bố hàng loạt biện pháp kích thích kể từ nửa cuối năm 2022, trong đó có hỗ trợ mua nhà lên tới 10% giá trị.
Golden Scale House - một dự án chung cư ở ngoại ô Vu Hồ - đang chào mời khoản hỗ trợ sửa chữa lên tới 230.000 nhân dân tệ trong một tháng sau khi giao dịch hoàn tất. “Khoản trên tương đương 20% giá trung bình một căn hộ 3 phòng ngủ”, đại diện GHS cho hay.
Trở lại với thị trường bất động sản trong nước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất hỗ trợ người mua căn nhà đầu tiên với mức giá không quá 2 tỷ đồng được vay lãi suất 4,7%/năm trong thời hạn 10-20 năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khẳng định thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền. Nguồn cung mất cân bằng, thiếu nhà ở vừa túi tiền, thừa nhà ở cao cấp. Giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân.
Trong bối cảnh đó, việc người dân được hỗ trợ vay mua căn nhà đầu tiên sẽ là “lối thoát hiểm” giúp doanh nghiệp xử lý núi hàng tồn kho hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời ngăn thị trường đóng băng.
Liệu có khả thi?
Đề xuất của HoREA cho thấy, giải pháp hỗ trợ người dân vay mua căn nhà đầu tiên từ quốc gia tỷ dân rõ ràng là một gợi ý đáng để tham khảo nhằm gỡ khó cho thị trường địa ốc trong nước. Đặc biệt là khi hầu hết người mua nhà những năm qua đang phải chịu mức lãi suất thương mại bình quân 9-10%/năm.
Chưa kể, từ cuối quý II/2022 đến nay, không chỉ lãi suất “nhảy múa”, việc tiếp cận nguồn vốn của người mua nhà cũng gặp nhiều trở ngại. Có trường hợp lãi suất cho vay đối với cá nhân được thông báo cao nhất lên đến 17,5%, khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà, đất để ở thực phải "chùn tay".
Cần nhấn mạnh, không chỉ là giải pháp “cứu” doanh nghiệp bất động sản, chính sách hỗ trợ người mua căn nhà đầu tiên nếu được thông qua cũng sẽ là chính sách đầy nhân văn và được lòng dân. Gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ giai đoạn 2013-2026 là một minh chứng.
Anh Hà Trung Dũng (quận 7, TP.HCM), nhân viên truyền thông, chia sẻ với mức lãi vay của ngân hàng hiện nay, thì gia đình dù có thu nhập 30 triệu đồng/tháng cũng không dám mơ có nhà an cư, ngay cả vay mua nhà ở xã hội cũng khó có thể kham nổi.
“Rất mong cơ quan chức năng có gói vay như gói 30.000 tỷ trước đây, lãi suất khoảng 5 - 6%/năm, để chúng tôi có cơ hội mua nhà tại TP. HCM", anh Dũng thổ lộ.
Mới đây, để chuẩn bị cho hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì (ngày 17/2), Bộ Xây dựng cũng đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng).
Ở góc nhìn chuyên gia, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đây là giải pháp có thể làm được, tuy nhiên ngân hàng cũng là một doanh nghiệp cần đảm bảo dòng tiền để vận hành.
Vì vậy, các yêu cầu về điều kiện cho vay, chuyển nhóm nợ, hệ số rủi ro... đều phải được thực hiện rất nghiêm ngặt, bởi nếu doanh nghiệp, người vay mua nhà không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ rơi vào áp lực nợ xấu, gây bất ổn, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
"Ngân hàng nhà nước sẽ có biện pháp cụ thể, và trong trường hợp các gói ưu đãi được đưa ra để hỗ trợ mua căn nhà đầu tiên, người vay cũng cần phải tính toán để từ đó chủ động trong việc trả nợ và thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng tín dụng đã kí kết”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Hưng Nguyên