Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý III/2018, hầu hết các vùng phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng đều không có nguồn cung mới chào hàng. Lượng giao dịch cả nước về sản phẩm condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.
Trong một báo cáo của công ty DKRA Việt Nam công bố hồi tháng 7 cũng khẳng định, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng condotel từ Đà Nẵng cho đến Phú Quốc trong các tháng 4, 5, 6/2018 với lượng tồn kho cao ngất ngưởng. Toàn thị trường tung ra 2.100 căn nhưng chỉ tiêu thụ 850 căn.
Tồn kho lớn
Theo DKRA, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng – condotel đang rơi vào tình trạng ế ẩm, nguồn cung dư thừa trong khi sức tiêu thụ vô cùng ảm đạm. Tỷ lệ hấp thụ theo khu vực ở mức đáng quan ngại. Phú Quốc và Bà Rịa – Vũng Tàu thanh khoản khả quan nhất thị trường nhưng mức hấp thụ cũng chỉ dừng ở ngưỡng 39- 40%, tương đương mức tồn kho là 60-61%.
Tại các thành phố du lịch biển còn lại có tỷ lệ hấp thụ căn hộ condotel ảm đạm hơn, lần lượt ghi nhận Khánh Hòa tiêu thụ được 26%, Bình Định 22%, Đà Nẵng 9%. Như vậy, lượng hàng tồn kho căn hộ nghỉ dưỡng tại ba tỉnh thành này lần lượt là 74-78-91%.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tại Đà Nẵng, số lượng sản phẩm hiện đang chào bán ra thị trường là 8.061 sản phẩm bao gồm cả các sản phẩm đã chào bán từ các quý và các năm trước. Số lượng bán trong quý III có 294 sản phẩm.
Trong đó tập trung tại các dự án của các chủ đầu tư như Hyatt Regency Da Nang, Ocean Suite, Olalani, Coco Bay, Mường Thanh, Anfanam, Hòa Bình, Furama,…
Khởi sắc hơn Đà Nẵng, thị trường Nha Trang, tiếp tục ghi nhận nguồn cung chào hàng mới tromg quý III với khoảng trên 1.000 căn, nâng tổng số nguồn hàng condotel Nha Trang lên 12.000 căn.
Tỷ lệ hấp thụ từ các dự án mới được chào bán trong quý III/2018 chỉ đạt khoảng 20%. Theo thống kê lượng giao dịch của sản phẩm condotel tại Khánh Hòa đạt 789 sản phẩm, giảm mạnh so với quý I và quý II/2018.
Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng thừa nhận bất động sản du lịch nửa đầu năm rất sôi động, đặc biệt là condotel và biệt thự nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, vào quý III/2018 có dấu hiệu suy giảm. Tháng 9/2018 có 1.000 giao dịch, sản phẩm còn tồn hơn 20.000 căn.
"Chúng ta cũng không nên dao động trước con số này vì Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo theo hướng ủng hộ ra được hành lang pháp lý chính thức trong việc cấp sổ đỏ, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và được mua bán đưa vào trật tự, không thể sáng tác ra "đất ở không hình thành đơn vị ở" được. Theo tôi, ở một số dự án ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc… nếu có điều chỉnh cấp được sổ đỏ thì vẫn có khả năng giao dịch được", ông Nam nhận định.
Nhu cầu vẫn cao
Lý giải cho hiện tượng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chững lại, lượng tồn kho lớn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng hiện Nhà nước đã siết chặt vốn nên dòng vốn đầu tư đặc biệt là dòng vốn về bất động sản nghỉ dưỡng bị siết chặt.
Các chính sách của Nhà nước về pháp lý cho các sản phẩm condotel vẫn chưa được tháo gỡ, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.
Năng lực phát triển dự án loại hình bất động sản nghỉ dưỡng còn hạn chế, đặc biệt là năng lực khai thác kinh doanh sản phẩm này của các chủ đầu tư Việt Nam, dẫn đến hiện nay, các nhà đầu tư nhỏ lẻ rất thận trọng trong chọn lựa dự án bất động sản nghỉ dưỡng .
Hơn nữa, giá bán của sản phẩm nghỉ dưỡng hiện đã được các chủ dự án đẩy lên ở mức cao, bình quân 35 – 50 triệu đồng/m2, thậm chí có những dự án có giá trên 70 triệu/m2. Ở mức giá cao này, nhà đầu tư khó tạo thanh khoản khi có nhu cầu chuyển nhượng.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Trần Nam vẫn lạc quan về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Theo ông Nam, năm 2018 là năm thứ tư liên tiếp lượng khách nước ngoài tăng trưởng 30%, đây là con số không thể tưởng được.
Đơn cử, năm 2016 đón 10 triệu khách nước ngoài, năm 2017 là 13 triệu khách nước ngoài. Theo Tổng cục du lịch, dự kiến năm 2020 sẽ đạt 17-18 triệu khách nước ngoài và 85 triệu khách du lịch trong nước. Ông Nam cho rằng khách trong nước cần quan tâm hơn vì nguồn thu rất lớn, số lượng khách tương đối ổn định.
Lý giải thêm về giao dịch ảm đạm, theo ông Nam, bất động sản du lịch thời gian qua trầm lắng do dự thảo luật đặc khu. Chính phủ sẽ không bỏ Luật Đặc khu mà sẽ có điều chỉnh. Mặc dù chưa có Luật Đặc khu, nhưng các địa phương vẫn đang lặng lẽ triển khai. Trên thực tế, sự thiếu hụt về nguồn cung cơ sở nghỉ dưỡng là đang diễn ra.
"Thời gian tới thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ đi vào trật tự hơn và nguồn cung sẽ giảm đi, hàng hoá không thiếu, nhu cầu trung và dài hạn vẫn tốt. Những căn phòng 30-40m2 nhu cầu rất lớn", ông Nam nhận định.
Phạm Minh