Những năm gần đây, các dự án ven đô trong bán kính khoảng 60 km quanh Hà Nội đang có xu hướng tăng. Có thể kể đến những dự án như The Melody Villas, Top Hill Villas, các dự án ở Ba Vì, Tam Đảo, Vân Trì (Đông Anh)… Thực tế cho thấy, các dự án này luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía khách hàng là những người đầu tư và có nhu cầu nghỉ dưỡng.
Cung ít, cầu nhiều
Một số đầu tư cho rằng du lịch ven đô là nhu cầu cần thiết của xã hội, đặc biệt là với nhóm cư dân thành thị luôn phải chịu áp lực lớn từ môi trường, công việc, cuộc sống.
Hiện nay, khu vực trung tâm thành phố bị quá tải, môi trường ô nhiễm, không gian sống chật chội, cư dân sinh sống tại đây đang có xu hướng dịch chuyển về các vùng ven đô để sinh sống, nghỉ dưỡng mỗi dịp cuối tuần nhằm thư giãn, nghỉ ngơi sau một tuần làm việc mệt mỏi.
Tuy nhiên, số lượng những khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình rất khiêm tốn.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng việc phục vụ dân số hiện tại của Hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đã cần tới 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm.
Ông Amorn Harnkham – nguyên Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan, Giám đốc khu vực Trường quản lý khách sạn và du lịch quốc tế Thái Lan nhận định, các địa phương của Việt Nam có nhiều điểm độc đáo để làm du lịch. Riêng với Hà Nội, sự mến khách và nhiều điểm khám phá… khiến du lịch ở đây rất nhiều tiềm năng để phát triển.
"Tuy nhiên, cơ sở du lịch ven đô Hà Nội cần hội tụ trong một mạng lưới, có liên kết chặt chẽ để thúc đẩy du lịch ven đô đi lên", ông Amorn Harnkham nhấn mạnh.
Trong tương lai, Hà Nội sẽ đón gần 30 triệu lượt khách nhưng hiện tại chỉ có 1.200 phòng khách sạn 3 – 5 sao trong 5 năm qua. Điều này gây sức ép lớn về nguồn cung cho nội thành. Một số chuyên gia kỳ vọng vào giải pháp san sẻ nguồn khách bằng cách kết nối với du lịch ngoại ô. Với 30 triệu lượt khách đến Hà Nội trong tương lai, ngoại ô chỉ cần "chia lửa thôi cũng đã nóng rồi".
Dự án The Melody Villas |
Tiềm năng lớn
Dưới góc độ của nhà đầu tư, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Đầu tư Archi, phân tích có nhiều lý do khiến thị trường nghỉ dưỡng ngoại ô sẽ tăng trưởng mạnh và bền vững trong các năm tới.
Thứ nhất, đây là thị trường cực lớn, trung bình nếu khách đi nghỉ dưỡng 5-6 lần/năm thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô đã có nguồn khách 25-30 triệu lượt/năm.
Thứ hai, nguồn cung hiện vô cùng hạn chế, các vùng xung quanh Hà Nội như Mai Châu – Hòa Bình có chưa đầy 1.600 phòng resort.
Thứ ba, du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô rất dễ tiếp cận và ngày càng dễ tiếp cận hơn do khoảng cách quá gần và ngày càng gần hơn nhờ các tuyến giao thông mới mở.
Thứ tư, lợi thế của du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô là chi phí rất thấp. Đơn cử một resort có 3 phòng ngủ, cộng các chi phí sinh hoạt, nếu chia ra thì chỉ hết 1 triệu đồng/ người/ngày.
Thứ năm, thị trường bất động sản ngoại ô sẽ luôn tăng trưởng tốt, bất chấp nền kinh tế biến động thế nào. Ông Trung lý giải, khi kinh tế đi xuống, những người từng chi trả số tiền lớn để du lịch xa sẽ mất khả năng chi trả và tự động quay về với du lịch ven đô.
Thứ sáu, sự vào cuộc của các cấp quản lý, doanh nghiệp cũng như người dân trong việc phát triển du lịch – nghỉ dưỡng ven đô.
Đối với vấn đề quản lý, ông Lương Ngọc Khánh – Tổng Giám đốc công ty quản lý khách sạn H&K Hospitality, cho rằng bức tranh du lịch nghỉ dưỡng ven đô nhìn chung vẫn tốt, nhưng cần thấy một điều là những ngày trong tuần, các khu resort, khách sạn rất vắng khách. Các biệt thự ven đô thì đông hơn vào cuối tuần. Do vậy, với nhà đầu tư, vấn đề là làm sao lôi kéo khách đến đó mới là quan trọng. Khu nghỉ dưỡng ven đô muốn lượng khách quay lại thì phải đào tạo nhân lực bài bản.
"Hầu như các bạn đến các khách sạn, resort đều thấy hao hao giống nhau, không có nét độc đáo, riêng biệt. Nó không có văn hóa ở đấy. Các khách du lịch thích khám phá văn hóa của địa phương nhưng hầu như các khu nghỉ dưỡng không đáp ứng được nhu cầu đó", ông Lương Ngọc Khánh cho biết.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills, cũng cho rằng thực tế cho thấy, nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đang ngày càng tăng cao. Trong tương lai, hạ tầng phát triển mạnh mẽ sẽ thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng ven đô, đặc biệt là phía Bắc tăng trưởng nhanh chóng.
Có thể thấy, từ trước đến nay, các nhà đầu tư Hà Nội thường có xu hướng đầu tư nhiều vào khu vực miền Trung, Nam, chưa mặn mà nhiều với bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Tuy nhiên, với những tiềm năng sẵn có và nhu cầu lớn như hiện nay, xu hướng của các nhà đầu tư đang và sẽ thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.
Minh Trang