Như Thời báo Kinh Doanh đã thông tin, hiện nay tình trạng thiếu trường học trong các đô thị đang gây nhức nhối trong nhiều gia đình. Đó là do hậu quả của việc quy hoạch thiếu kế hoạch và chưa chú trọng đến an sinh xã hội.
Theo KTs Trần Huy Ánh, để đáp ứng được nhu cầu của dân số ngày càng phát triển trong nội đô, quy hoạch luôn là vấn đề nghiêm túc. Trong quy hoạch mạng lưới trường học từ năm 2003-2010, định hướng đến năm 2020, bản quy hoạch không thấy rõ nét, minh bạch, được xây dựng trên một hệ thống tài liệu thiếu tin cậy.
Coi trọng quy hoạch
Lấy ví dụ việc nghiên cứu quy hoạch trường học của quận Cầu Giấy trên thực địa, ông Ánh cho rằng nghiên cứu dựa trên cơ sở dân số 140.000 người, nhưng chưa hết nửa giai đoạn dân số đã phát triển lên 200.000 người.
Trong khi đó, trên thực tế nhiều ô đất có nhiều công ty đã "cắm" ở đó rồi, bản đồ dựa vào nghiên cứu cũ kỹ, công thức sai lầm, nếu không có nghiên cứu thực địa thì sẽ có một kết quả không mong muốn.
Nghiên cứu từ bản đồ quy hoạch một đằng, ra nghiên cứu thực địa cho kết quả một nẻo, quận Cầu Giấy đã kiến nghị lên Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường và các cơ quan liên quan bàn về vấn đề xây dựng trường học.
"Điều chính yếu là sự hợp tác của các bên, sự quan tâm của xã hội đến con em chúng ta còn coi nhẹ. Do vậy, khi nhìn lại mới thấy tầm nhìn của xã hội, một thành phố thông minh phải tính đến các yếu tố an sinh xã hội", KTs Trần Huy Ánh nói.
Nhìn lại câu chuyện của KĐT Đặng Xá, địa phương có quy định một cách máy móc, cùng một KĐT nhưng có những em học trường tiểu học Cao Bá Quát, có em lại học trường tiểu học Trung Thành. KTs. Ts Trần Thanh Bình, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học, cho rằng trong vấn đề tiêu chuẩn KĐT chúng ta có "vấn đề".
Mặc dù lý thuyết là đô thị nén, nhưng thực tế chưa có tiêu chuẩn định hình lại tiêu chuẩn mà trước đây đã tính trong KĐT nén về bán kính. Bởi có những KĐT có dân số bằng ba phường thì lúc đó phải tính thế nào là KĐT và hạ tầng trong KĐT nén là phải nhìn ở tầm vĩ mô và xem xét lại tiêu chuẩn.
"Nội dung này, chúng tôi đã báo động trong khi các tư vấn quốc tế phối hợp làm quy hoạch mở rộng Hà Nội, tầm nhìn đến năm 2050, họ rất ngạc nhiên là vấn đề đó chưa bao giờ được đưa vào trong hệ thống của chúng ta", ông Bình chia sẻ.
Bàn về vấn đề giải pháp nào cho quy hoạch trường học, KTs Trần Huy Ánh sợ nhất giải pháp về quy hoạch dài hạn, tầm nhìn 5 năm, 10 năm hay 20 năm… trong khi đó con em chúng ta cần ngay ngày mai phải đi học. Các nhà quản lý, các KTs, các doanh nghiệp cần phải nói về giải pháp trước mắt, trung hạn, lâu dài.
KĐT ở quận Nam Từ Liêm ngay từ đầu đã được quy hoạch trường học nên thu hút khách hàng tới đây mua nhà |
Sợ nhất quy hoạch dài hạn
Giải pháp trước mắt mà thành phố Hà Nội có cơ hội xây dựng các trường học đó là thu hồi các dự án treo, dự án chậm tiến độ. Mới đây, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội vừa công bố tại phiên chất vấn HĐND Tp có 22 dự án mấy chục năm trên những khu dân cư đông đảo nhưng không xây dựng. Hoặc từ nay tới cuối năm sẽ công bố công khai 47 dự án sẽ bị thu hồi.
"Chúng ta nên rà soát những dự án nào sẽ bị thu hồi, xây dựng trường phù hợp để bổ sung cho giáo dục", KTs Trần Huy Ánh đề xuất.
Còn về lâu dài, theo ông Ánh, thành phố phải lập lại hệ thống tiêu chuẩn các trường học tại các khu dân cư, KĐT nén và xem lại quy hoạch từng khu cho phù hợp với từng địa bàn.
Bàn về giải pháp quy hoạch trường học, KTs.Ts Trần Thanh Bình cho rằng trước hết mỗi dự án phải đáp ứng yêu cầu trường công lập, tức đáp ứng nhu cầu học và quyền được học của các cháu. Thứ hai là phải tính đến số lượng dân cư sẽ gia tăng trong khu vực đó thì trẻ em sẽ học ở đâu và phải bảo đảm đáp ứng được cho dân cư mua nhà lúc đầu.
"Khi cư dân đến ở, bài toán phải giải quyết là tôi ở đây thì con tôi học ở đâu. Nhưng người có quyền quyết định phải có lời giải và cuộc sống của họ ở KĐT có được đảm bảo không", Ts Trần Thanh Bình đặt vấn đề.
Như vậy, để các giải pháp này thành công, trong thời gian tới, Hà Nội cần quy định cụ thể trách nhiệm, tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, nhà trẻ trong dự án KĐT, trên cơ sở đó, kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện.
Trước đó, đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội trong việc rà soát quy hoạch mạng lưới trường học để xây dựng và điều chỉnh lại quy hoạch đã được phê duyệt năm 2012 cũng cần được UBND Tp Hà Nội triển khai sớm.
Trong đó, việc quy hoạch cần căn cứ vào số lượng dân cư hiện sinh sống và dự báo dân cư di dân đến, nhất là các khu có chung cư cao tầng để dành quỹ đất đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phòng học, trường học, giáo viên đủ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Đặc biệt, Hà Nội cần có những cơ chế hấp dẫn hơn nữa nhằm thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống trường học trong KĐT. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, rất cần nguồn vốn xã hội hoá, có sự giám sát của Nhà nước để mọi trẻ em ở KĐT đều có chỗ học thuận lợi.
Minh Trang