Theo đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS, thị trường BĐS những tháng đầu năm 2017 thu hút nguồn vốn ngoại vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính khiến thị trường BĐS Việt Nam đang có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài là do sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, những thuận lợi về cơ cấu dân số, thu nhập của người dân ngày càng gia tăng…
Hút vốn ngoại
Theo báo cáo mới nhất từ Savills, BĐS vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư ngoại khi đến giữa năm 2017, lượng vốn FDI đăng ký đã tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, nguồn vốn FDI giải ngân đạt 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn đăng ký là 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu nguồn vốn được rót vào 619 dự án BĐS còn hiệu lực triển khai tại Việt Nam, với tổng vốn hơn 51,6 tỷ USD.
Nguồn vốn FDI đổ vào thị trường BĐS chủ yếu đến từ các nhà đầu tư châu Á. Cụ thể, tập trung ở một số công ty như CapitaLand, Keppel Land hay Mapletree (Singapore), Maeda, Creed Group, Mitsubishi,Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad, Kajima (Nhật Bản)…
Khu phức hợp Kumho Asiana Plaza đã được Tập đoàn MapleTree mua lại.
Trong đó, thị trường BĐS Tp. HCM chiếm tới 40,9% tổng số vốn FDI vào BĐS cả nước cho thấy hoạt động M&A diễn ra ngày một sôi động. Nguyên nhân được giới chuyên gia nhận định là do quá trình phát triển đang dần đi vào quỹ đạo ổn định. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không ngại “xuống tiền” đầu tư và thâu tóm các dự án.
Đáng chú ý trong số những thương vụ M&A về BĐS mới đây có doanh nghiệp đầu tư của Nhật Creed Group đã bắt tay cùng Tập đoàn An Gia để “thâu tóm” 5 block căn hộ thuộc dự án La Casa quận 7 với giá trị 910 tỷ đồng; hay Tập đoàn Kajima liên kết với Indochina Capital ra mắt liên doanh với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD. Tương tự, hai nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Realty đến từ Osaka và Nishi Nippon Railroad đến từ Fukuoka cũng đã bắt tay với công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long để cùng phát triển dự án Mizuki Park có quy mô 26ha với tổng giá trị 8.000 tỷ đồng.
Tăng thanh khoản
Bên cạnh thông tin nguồn vốn, trong những tháng đầu năm 2017, lượng giao dịch BĐS thành công và tăng mạnh thông qua số liệu báo cáo của hầu hết công ty nghiên cứu thị trường.
Cụ thể, theo báo cáo của công ty Savills Việt Nam, tính đến tháng 7/2017, thị trường BĐS tại Tp.HCM tương đối khả quan với thanh khoản thị trường khá ấn tượng khi lượng giao dịch tăng 33% theo quý và 67% theo năm. Tính riêng trong quý II/2017 đã có gần 11.600 căn hộ được tiêu thụ, lượng giao dịch chạm đỉnh kể từ năm 2011 tới nay. Trong đó, phân khúc nhà trung bình có tỷ lệ hấp thụ cao nhất, khoảng 37% và chiếm 64% tổng lượng giao dịch.
Còn tại báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, chỉ tính trong tháng 8/2017, thị trường BĐS Tp.HCM vẫn giữ được sự ổn định với khoảng 1.400 giao dịch BĐS thành công, giá tăng nhẹ tại phân khúc chung cư bình dân diện tích nhỏ, đất nền, biệt thự, nhà ở liền kề. Giao dịch thành công phần lớn tập trung tại những dự án căn hộ chung cư.
Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS, những tháng cuối năm 2017 lượng giao dịch vẫn ổn định. Đáng chú ý là phân khúc hạng trung sẽ ghi nhận nhiều hoạt động sôi nổi. Lý giải điều này, các chuyên gia cho biết, nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ hiện nay ngày một khan hiếm, trong khi phân khúc hạng trung đang được nhiều nhà đầu tư bung hàng và nhu cầu nhà ở tại Tp.HCM vẫn còn rất lớn.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác là chủ đầu tư các dự án không ngừng đưa ra những chương trình khuyến mãi lớn vào dịp cuối năm. Hơn nữa, yếu tố pháp lý, tiện ích, vị trí thuận lợi nên lượng giao dịch ở các dự án thuộc phân khúc hạng trung sẽ hút khách hàng hơn.
Ngoài ra, theo ghi nhận thực tế của phóng viên, những dự án có lượng giao dịch tăng và giá tăng trong thời gian gần đây đều nằm tại các khu vực được hưởng lợi thế từ hạ tầng. Các dự án này cũng đều có sự điều chỉnh về giá tương đối hợp lý so với nhu cầu thực của thị trường.
Trước những thông tin trên, giới chuyên gia cho rằng thị trường BĐS cuối năm 2017 được đánh giá là ổn định về thanh khoản và sẽ tiếp tục hút nguồn vốn đầu tư.
Đăng Thanh